Theo điều chỉnh của Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, từ 15h ngày 11/4, giá xăng dầu được điều chỉnh như sau:
Xăng E5 RON 92 tăng 1.090 đồng/lít, lên 23.170 đồng/lít;
Xăng RON 95 tăng 1.120 đồng/lít, lên 24.240 đồng/lít;
Giá dầu diesel tăng 710 đồng/lít lên 20.140 đồng/lít;
Giá dầu hỏa tăng 700 đồng/lít lên 19.730 đồng/lít;
Giá dầu mazut tăng 720 đồng/kg lên 15.190 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ trích lập quỹ Bình ổn giá ở mức 150 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, trích lập 300 đồng/lít với xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa. Cơ quan quản lý chỉ chi quỹ bình ổn 300 đồng/kg với mặt hàng dầu mazut.
Như vậy, giá xăng trong nước đã tăng 2 lần liên tiếp chỉ sau 1 lần giảm. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 7 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên giá.
Giá xăng dầu tăng mạnh trong 2 kỳ gần đây khiến cho các doanh nghiệp đầu mối siết lại chiết khấu chi cho các đại lý, nguồn cung hàng đưa ra nhỏ giọt.
Theo các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu, từ nhiều ngày qua việc nhập hàng bị hạn chế, nếu không thì phải chấp nhận mua hàng với mức chiết khấu thấp chỉ vài trăm đến 0 đồng.
Mặc dù nguồn cung trên thị trường không thiếu nhưng do mức chiết khấu thấp, nên các đại lý bán lẻ than kinh doanh ngày càng khó khăn do thua lỗ. Bởi mức chiết khấu như vậy trừ đi các chi phí, doanh nghiệp hầu như không có lãi.
Một số doanh nghiệp cho biết đã tiếp tục gửi văn bản gửi đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng kiến nghị xem xét điều chỉnh những bất cập hiện hành trong Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Trong khi đó, ở một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương mới đây đề xuất giai đoạn năm 2023-2025 nâng mức dự trữ xăng dầu từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày, và nâng lên 30 ngày trong giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng mỗi năm để mua xăng dầu dự trữ. Nhưng thực tế hiện tại mỗi năm chỉ bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng.