Giải ngân vốn đầu tư công đạt 30,49% kế hoạch

Chiều 4/7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến đến 30/6, số liệu giải ngân ước đạt gần 216.000 tỷ đồng, đạt 30,49% so với kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%)...
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 30,49% kế hoạch

Chiều tối ngày 4/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và nửa đầu năm 2023. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cung cấp thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm.

Đầu tư công tăng trưởng tích cực

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến đến 30/6, số liệu giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 216.000 tỷ, tương đương với tỷ lệ đạt khoảng 30,49% so với kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%). Đặc biệt số tiền tuyệt đối so với năm 2022 hơn rất lớn, đạt khoảng 65.000 tỷ đồng.

“Điều đó cho thấy chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Nguyên nhân là chúng ta thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân ngay từ đầu năm mà Chính phủ đã chỉ đạo, cũng cho thấy sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm giải ngân vốn đầu tư công”, ông Phương nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với khối lượng khá lớn khoảng 711.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Đây là nhiệm vụ khá lớn, nặng nề trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện để đáp ứng mục tiêu giải ngân được tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ được giao.

Về khả năng giải ngân kế hoạch vốn được giao, Thứ trưởng Phương cũng cho hay: “Từ năm 2021 đến nay, hầu hết tiến độ giải ngân của các năm gần đây cơ bản đạt hơn 90%. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra”.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, các dự án lớn, công trình giao thông trọng điểm đã được khởi công, cho thấy tín hiệu rất tốt khi việc giải ngân được thực hiện ngay lập tức, giúp cho khối lượng giải ngân đạt kết quả cao hơn.

đầu tư công
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Sức ép về điều hành lạm phát đã giảm

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng trao đổi thêm về những giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, vị lãnh đạo này cho biết, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực.

Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 3,72% - thấp hơn so với kịch bản đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 3 và cả năm 2023.

Với kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 6,8%, quý 4 đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhìn nhận, trong 6 tháng cuối năm, khó khăn, thách thức còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành, tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Trong khi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì thế, trong thời gian tới, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, tạo nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn.

Nêu ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Phương cho biết, sẽ tăng cường phân tích dự báo, theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình, diễn biến của quốc tế để từ đó có cơ sở đề xuất kịp thời các giải pháp ứng phó linh hoạt. Đặc biệt, bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chú trọng các yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong nhóm giải pháp này, ông Trần Quốc Phương cho biết sẽ tập trung điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt, có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình cải thiện lãi suất cho vay, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm thuế.

Thứ trưởng Phương đánh giá: "Sức ép về điều hành lạm phát từ nay đến cuối năm đã giảm. Tốc độ tăng CPI 6 tháng đạt 3,29%. Như vậy chúng ta vẫn còn nhiều dư địa từ nay đến cuối năm để thực hiện mục tiêu Quốc hội giao".

Đồng thời, Thứ trưởng cho biết, cần phải rà soát tất cả các động lực tăng trưởng. Khi tháo được các khó khăn, điểm nghẽn thì đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm được động lực tăng trưởng. Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vào tiêu dùng trong nước khi xuất nhập khẩu gặp khó.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã đề xuất 10 nhóm chính sách giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Trên cơ sở kết quả của 27 đoàn công tác của thành viên Chính phủ khi làm việc với địa phương trong thời gian vừa qua, Bộ cũng dự thảo Nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm.

"Bộ đã trình xin ý kiến Chính phủ, sắp tới sẽ ban hành, Nghị quyết này tập trung nhiều giải pháp để phấn đấu mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Xem thêm

GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 11 năm qua

GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 11 năm qua

GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% và đây là mức tăng cao nhất trong 11 năm. Theo đó GDP bình quân theo giá hiện hành đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD và tăng 393 USD so với năm 2021.
Quy mô GDP Việt Nam năm 2022 vượt 400 tỷ USD

Quy mô GDP Việt Nam năm 2022 vượt 400 tỷ USD

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 403,53 tỷ USD.

Có thể bạn quan tâm