Theo chương trình dự kiến, ngày mai (15/9), trong phiên họp thứ 15 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác thi hành án năm 2022.
Về thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, Chính phủ cho biết tổng số phải thi hành là 36.906 việc, tương ứng với 134.552 tỷ 440 triệu đồng, chiếm đến 40,72% trong tổng số tiền phải thi hành. So với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 532 việc và tăng 5.489 tỷ 904 triệu đồng.
Tuy nhiên, chỉ 23.350 việc có điều kiện thi hành, tương ứng 78.013 tỷ đồng. Trong đó, đã thi hành xong 4.765 việc, tăng 908 việc so với cùng kỳ 2021 tương ứng với số tiền 17.603 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc thi hành thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả chưa cao, phần nào ảnh hưởng đến kết quả chung của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Hiện, số các vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều.
Đáng chú ý, tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua, Tiểu ban IV của Ủy ban nhận định, việc thực hiện thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả chưa cao do giá trị tài sản thế chấp khi xử lý thấp hơn nhiều so với khi thẩm định cho vay.
Vậy giải quyết sao số tài sản thế chấp trong 78.000 tỷ đồng nợ ngân hàng phải thu thì chúng ta phải chờ vào "động thái" phiên họp ngày mai (15/9).