Cái tên đã quen trong các cuộc vinh danh
Năm 2020 đánh dấu một năm ảm đạm của ngành du lịch toàn cầu với cơn bão mang tên Covid-19. “Du lịch, một ngành đang tăng trưởng liên tục 4 năm ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP, lại bị suy thoái nghiêm trọng”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam cảm thán. Bước sang năm 2021, đại dịch vẫn đang tiếp tục gây nên những ảnh hưởng nặng nề cho ngành công nghiệp không khói. Việt Nam, dù kiểm soát dịch tốt, vẫn chưa thể đón khách quốc tế do diễn biến dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp.
Thế nhưng, trong cơn khủng hoảng đó, du lịch Việt Nam lại liên tục đón nhận những tín hiệu vô cùng lạc quan về sự thăng hạng trên trường quốc tế, chỉ dấu cho thấy một giai đoạn đã bắt đầu có “quả ngọt” từ những cuộc đầu tư trước đó.
Mới đây nhất, ngày 19/3/2021, tờ Daily Mail (Anh) đã công bố top 10 kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của thế hệ trẻ (thế hệ Millenials – sinh từ năm 1982-2000). Trong đó, Cầu Vàng thuộc khu du lịch Sun World Ba Na Hills của Tập đoàn Sun Group dẫn đầu trong danh sách. Trong danh sách được độc giả của Daily Mail tôn vinh, có thể nhận thấy Cầu Vàng gần như là kỳ quan “non trẻ” nhất, nếu không tính Công viên Nghệ thuật điêu khắc dưới nước ở Miami (Mỹ) chưa chính thức khai trương. Đặc biệt, Cầu Vàng chỉ mất gần hai năm vươn ra thế giới với danh hiệu cao quý này, trong khi hầu hết các kỳ quan khác đã có nhiều năm để khẳng định giá trị.
Ngay từ khi mới ra mắt năm 2018, cây cầu độc đáo trên đỉnh Bà Nà Hills đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng du lịch quốc tế và gây chấn động giới truyền thông thế giới. Hàng loạt giải thưởng, danh hiệu uy tín đã được trao cho Cầu Vàng như: Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới do Tờ TIME trao tặng; “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới 2020” do World Travel Awards (WTA) vinh danh…
Ngay cả khi đường biên giữa các quốc gia đóng lại vì Covid-19, nhiều công trình du lịch, điểm đến, sản phẩm của Việt Nam vẫn được ghi nhận trên trường quốc tế. Hai năm 2019 và 2020, Việt Nam đều được xướng tên Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại giải WTA thế giới – vốn được coi là “Oscar của ngành du lịch”. Bên cạnh các danh hiệu tầm quốc gia, WTA cũng trao nhiều giải thưởng vinh danh các sản phẩm, dịch vụ, công trình của các doanh nghiệp du lịch lớn của Việt Nam ở hầu hết các hạng mục: hàng không, điều hành tour, sân bay khách sạn… “Thành công của Việt Nam tại WTA là sự phản chiếu nhận diện ngày càng tăng của thương hiệu Việt Nam trên thị trường du lịch thế giới”- ông Graham Cooke – Chủ tịch WTA nhận định.
Theo kết quả khảo sát do Agoda thực hiện, Việt Nam đứng thứ 4 trong Top 10 điểm đến mơ ước của năm 2021. Trang Yourlocalguardian.co.uk của Anh mới đây cũng nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 nhờ chiến lược ứng phó với dịch bệnh một cách chuyên nghiệp. Trong tháng 12/2020, tạp chí du lịch của Australia Lonely Planet đã chọn Việt Nam là điểm đến có ẩm thực tốt nhất cho chuyến du lịch cá nhân năm 2021….
Những cuộc đầu tư chiến lược
Không thể phủ nhận rằng, phần nhiều những thành quả ấn tượng của du lịch Việt Nam ngày hôm nay là nhờ những chiến dịch đầu tư quy mô, bài bản của các tập đoàn lớn từ cách đây 5- 10 năm trước như Sun Group, Vingroup, Viettravel… Trong năm 2020, chỉ riêng các công trình do Tập đoàn Sun Group đầu tư và vận hành tại Việt Nam đã vinh dự đạt 25 giải thưởng của WTA châu Á và hàng chục giải thưởng WTA thế giới.
“Việt Nam dần thoát khỏi hình ảnh "điểm đến giá rẻ" của thế giới, dần trở thành điểm đến của khách "nhà giàu", chịu chi và chi nhiều cho những dịch vụ đẳng cấp, khác lạ là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup…" - ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel đánh giá.
Cũng từ các cuộc đầu tư chiến lược, Việt Nam ghi dấu ấn với khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới liên tiếp 4 năm liền (2014-2017) như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), hay Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới 2020 dành cho Sun World Fansipan Legend (Lào Cai), Điểm du lịch biểu tượng hàng đầu châu Á 2020 dành cho Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng…).
Nói về sự chuyển mình để du lịch Việt Nam giữ vững vị thế thăng hạng trên bản đồ du lịch quốc tế, ông Phùng Quang Thắng- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam cũng cho rằng: “Cần lựa chọn các nhà đầu tư đủ tầm, nguồn lực để sẵn sàng biến hóa, kiến tạo, làm mới sản phẩm, dịch vụ ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng như Covid-19”.
Đồng tình với nhận định này, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch bày tỏ: “Trong đợt Covid-19 vừa qua, các tập đoàn lớn đã cùng với chính quyền địa phương chủ động tạo nên những “ngôi sao mới”, giúp du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế”. Việc chuyển hướng tập trung sang du lịch nội địa cũng đòi hỏi sự đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, như du lịch thông minh, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch văn hoá… Có thể kể tới Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh), Khu du lịch Sun World BaDen Mountain (Tây Ninh) của Sun Group như những điểm đến mới lạ. “Chính những yếu tố mới đó đã góp phần nâng cao tính hấp dẫn, chất lượng của các điểm đến trên “dải đất hình chữ S” – ông Siêu bổ sung.
Bên cạnh đó, sự đầu tư của các đơn vị tư nhân vào cơ sở hạ tầng cũng góp phần tăng cường công suất phục vụ cho các điểm du lịch. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn -"Sân bay mới hàng đầu Châu Á 2019” hay Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là n những ví dụ điển hình.
Có thể thấy, dù Covid-19 vẫn là một thách thức lớn đối với du lịch toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn đang từng bước khẳng định vị thế vững vàng trong con đường thăng hạng ở cả hiện tại và tương lai trước mắt.