Theo phân tích mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong một gam tiền giấy có tới 210 triệu vi khuẩn hiếu khí và 32.000 vi khuẩn gram âm.
Các chuyên gia ý tế nhận định, với thói quen sử dụng tiền mặt lên đến 90% dân số như hiện nay thì tiền giấy hay tiền polymer đều có nguy cơ là nguồn của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng.
Từ thực tế này, ngành ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc bằng việc ban hành nhiều biện pháp như: cho phép người dân vào ngân hàng giao dịch được đeo khẩu trang, trang bị nước rửa tay diệt khẩu cho khách hàng tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc, đế nay các nhà băng đưa ra khuyến cáo người dân nên sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch (Open Banking, Internet Banking, Mobile Banking,…) nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định về kiểm soát và hạn chế lây lan dịch bệnh.
Để khuyến khích khách hàng một số ngân hàng miễn 100% phí thanh toán cho khách hàng khi giao dịch điện tử như HDBank, SeABank…
Ngân hàng Nam Á có văn bản yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.
TPBank cũng khuyến khích khách hàng nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, về mặt công nghệ, khi việc đẩy mạnh ngân hàng tự động, dùng Internet Banking cũng giúp giảm thiểu chuyện lây lan, hạn chế việc tiếp xúc đông người, hạn chế việc tiếp xúc vật lý với những nguồn lây nhiễm virus. Đó là những cách thức ngân hàng đang ứng dụng.
Không chỉ có các ngân hàng, một số ví điện tử như MoMo khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch virus corona.
Theo CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhu cầu thanh toán chuyển khoản qua hệ thống liên ngân hàng 24/7 ghi nhận cao hơn so với rút tiền mặt. Vào thời điểm trước tết, chuyển tiền tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái cả về số lượng giao dịch và giá trị. Tốc độ giao dịch qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt qua máy POS, chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7, cổng thanh toán điện tử chiếm đến 90% giá trị giao dịch, phần còn lại là giao dịch qua ATM. Điều này hỗ trợ việc giảm tải cung ứng tiền mặt trong hệ thống ATM.
Thực tế, nhiều người cũng cảnh giác, hạn chế tiếp xúc với tiền bằng nhiều cách. Theo một người tiêu dùng cho hay, hơn 10 ngày qua khi dịch nCoV bước vào cao điểm, bà đã giảm bớt việc đi chợ.
Thay vì hằng ngày như trước thì nay mỗi tuần chỉ đi 2 lần, mỗi lần mua dự trữ cho vài ngày. Gia đình bà cũng hạn chế đi siêu thị vào cuối tuần như trước và tích cực mua hàng qua mạng, mua ở cửa hàng có dịch vụ giao tận nhà và thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng.