Giấy phép con tiếp tục được cài cắm

Nếu không thay đổi tư duy quản lý nhà nước, cuộc chiến với giấy phép con, những điều kiện kinh doanh vô lý sẽ không thể có hồi kết.
Giấy phép con tiếp tục được cài cắm

Thẩm định giá bị cài thêm điều kiện

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa bị gọi đích danh là cơ quan làm tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp, làm phức tạp thêm hoạt động thẩm định giá đất, định giá đất. Đáng nói, Bộ Tài chính là đơn vị phát hiện ra điều này.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, quy định hiện hành của Nghị định 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều các nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường đã tăng thêm điều kiện hành nghề tư vấn giá đất.

Cụ thể, theo quy định mới, cá nhân có thẻ thẩm định viên về giá muốn hành nghề tư vấn xác định giá đất thì bắt buộc phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học nghiệp vụ về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Trước đó, chỉ cần có thẻ thẩm định viên về giá hoặc có chứng chỉ định giá bất động sản hoặc chứng chỉ định giá đất là đủ điều kiện hành nghề này.

“Quy định trên không phù hợp với Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; đặc biệt là không phù hợp với chủ trương của Chính phủ hiện nay là cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo ra sự chồng chéo trong các quy định pháp luật về thẩm định giá”, Bộ Tài chính ghi rõ trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ.

Bộ này cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo lại các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá đất, định giá đất, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 136/2018/NĐ-CP theo hướng không làm tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp, không làm phức tạp thêm đối với hoạt động thẩm định giá đất, định giá đất.

Văn bản của Bộ Tài chính đồng thời được gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổng hợp kiến nghị.

Cũng phải nói thêm, không phải bây giờ điều kiện tăng thêm này mới được phát hiện. Tháng 5/2018, trong quá trình góp ý cho Dự thảo Nghị định 136/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã gửi ý kiến trên tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng không được tiếp thu, nghiên cứu, xem xét.

Bộ nói không, doanh nghiệp nói có

Sau hơn 2 năm im ắng khi Thông tư 37/2015/TT-BCT được Bộ Công thương bãi bỏ vào tháng 11/2016, những tranh luận quanh quy định về kiểm tra formaldehyde và các amin thơm với các lô hàng dệt may nhập khẩu nóng trở lại.

Lần này, văn bản được nhắc tới là Thông tư 21/2017/TT-BCT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Thông tư này được ban hành thay thế Thông tư 37/2015/TT-BCT.

“Doanh nghiệp nói với chúng tôi là họ tốn kém và chờ đợi hơn trước nhiều”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM, cơ quan được giao nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm liên quan đến điều kiện kinh doanh) cho biết.

Cụ thể, với quy định về phương pháp lấy mẫu phục vụ đánh giá sự phù hợp tại Thông tư 21/2017/TT-BCT, Thông tư 21/2017/TT-BCT chỉ khác Thông tư 37/2015/TT-BCT về thời điểm lấy mẫu là sau thông quan, còn dù doanh nghiệp nhập một mã hàng, chia thành 2 lô nhập về 2 cảng khác nhau, thì việc lấy mẫu sẽ vẫn thực hiện ở cả 2 lô. Nhưng Thông tư 21/2017/TT-BCT tạo thêm chi phí và thời gian tuân thủ vì các kết quả lấy mẫu sẽ được sử dụng để làm thủ tục về hợp quy, để có được tem QR dán trên sản phẩm.

“Doanh nghiệp không chỉ mất chi phí kiểm tra mẫu, mà còn chi phí in tem QR. Tem QR thì chỉ in khi có kết quả kiểm tra theo lô. Thời gian chờ đợi để có kết quả hợp quy khoảng 15 - 20 ngày. Chúng tôi đang tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp để có tính toán chi tiết”, bà Thảo phân tích.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2018, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục ngừng áp dụng Thông tư 21/2017/TT-BCT do tốn nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã nói, chi phí họ phải bỏ ra gấp 3 lần so với trước đây.

Nhưng Bộ Công thương không đồng tình. Ngày 24/1/2019, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) đã công bố trên trang thông tin chính thức của Bộ lý do phải thực hiện quy định này là để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khẳng định quy định này không phát sinh các thủ tục hành chính do các cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp tác động vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Thảo cho rằng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cần phân tích các kiến nghị của doanh nghiệp trong việc thực thi Thông tư 21/2017/TT-BCT trên góc độ là người tuân thủ. “Giả sử chỉ yêu cầu lấy mẫu theo mã, loại sản phẩm, thay vì lô hàng nhập khẩu, chi phí đã giảm đi đáng kể. Có bao giờ Vụ suy nghĩ theo hướng này không?”, bà Thảo nói.

Phải nhắc lại, một trong những lý do Thông tư 37/2015/TT-BCT bị đề nghị bãi bỏ là doanh nghiệp đã phải trả chi phí hàng trăm tỷ đồng cho việc kiểm tra và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài, nhưng chỉ có một tỷ lệ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định trong thời gian thực hiện quy định này.

Thông tư 21/2017/TT-BCT không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Minh Thảo đang đặt vấn đề về căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà Thông tư 21/2017/TT-BCT đang xác định là một căn cứ để ban hành.

Điều 70, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trong đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm đối với thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển. “Không có sản phẩm dệt may trong danh mục này”, bà Thảo nói.

Theo Khánh An/Báo Đầu Tư

baodautu.vn/giay-phep-con-tiep-tuc-duoc-cai-cam-d9 https://baodautu.vn/giay-phep-con-tiep-tuc-duoc-cai-cam-d96761.html

Có thể bạn quan tâm