Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm của xã hội.
Chưa có sự bứt phá
Tại Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nhiều chuyên gia đều đánh giá cao vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với nền kinh tế quốc dân. Khẳng định nông nghiệp là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp và sự cộng sinh giữa du lịch - nông nghiệp sẽ là lợi thế rất quan trọng”.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, trong suốt 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp chưa có sự thay đổi bứt phá. Nông nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nền kinh tế hộ gia đình, manh mún, không gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn ông Nguyễn Quốc Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, DN nông nghiệp chiếm chưa đến 1% tổng số DN trên cả nước.
Theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, con số này khá khiêm tốn so với những tiềm năng phát triển, thế mạnh hiện có của ngành nông nghiệp Việt Nam. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Thứ nhất là rủi ro về điều kiện tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết...
Thứ hai là hạn chế về đất đai vì thói quen sản xuất manh mún; chính sách hạn điền với thời gian thuê đất ngắn chỉ 5 - 10 năm.
Thứ ba là khó khăn về vốn, bởi đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi trường vốn trong khi DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, khó tiếp cận nguồn tín dụng lớn. Thứ tư là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Thứ năm là nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp hiện còn chưa theo kịp với cuộc sống.
Để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước phải cởi trói được vấn đề đất đai, sao cho DN có đủ đất và đủ thời gian để đầu tư lâu dài.
Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp
Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự vui mừng khi ngày càng nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp. Thậm chí có nhiều sinh viên vừa ra trường đã về nông thôn để khởi nghiệp trồng rau, nuôi lợn… thay vì lựa chọn bám trụ lại những thành phố lớn. Sự thức tỉnh của giới trẻ là tín hiệu đáng mừng cho đất nước.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ đưa ra 3 nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, việc quan tâm và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Về quyết sách của Thủ tướng tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM là dành 50 - 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế cho vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhiều DN rất tán thưởng, mong muốn chính sách này cần được hiện thực hóa càng sớm càng tốt.
Ông Ngô Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua, một số DN đã khá thành công trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Hòa Phát, TH Truemilk, Vingroup... Nhưng để đạt được thành công, nguyên nhân chính là các DN này có lợi thế về vốn, hệ thống phân phối, bán lẻ, có chiến lược đầu tư và truyền thông bài bản, khép kín. Bên cạnh đó, phải kể đến sự hậu thuẫn của địa phương về chính sách ưu đãi đầu tư, đất đai.
Thực tiễn đó cho thấy, để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước phải cởi trói được vấn đề đất đai, sao cho DN có đủ đất và đủ thời gian để đầu tư lâu dài. Ngoài hỗ trợ vốn đầu tư, thời gian đầu tư vào nông nghiệp cũng phải từ 5 - 8 năm, nên thời gian vay vốn tín dụng phải từ 5 - 10 năm. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm, kết nối với chuỗi cung ứng sản phẩm.
Để phát triển nông nghiệp, ông Lộc đề xuất, cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. Chúng ta chỉ thành công khi xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tất nhiên phải bảo đảm nhiều cách tiếp cận khác nhau. Thứ nhất, cần tạo cho các DN có thể tiếp cận thị trường. Thứ hai là cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp. Thứ ba, có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…). Thứ tư, xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để DN mạnh dạn đầu tư vào NN. Thứ năm, hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện.
Theo Trần Nam/Báo Đấu thầu