Chủ trì Hội thảo chuyên đề 6: “Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban KTTƯ nhấn mạnh, hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nghiệp tư nhân, đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm.
Chủ trương của Nghị quyết 10 –NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân là đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam với nền tảng là các doanh nghiệp tư nhân có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới đã trở thành hướng đi đúng đắn.
Tại Hội nghị, ông Sơn cho biết, thời gian qua cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm.
Chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng, số lượng và hoạt động của nhà đầu tư thiên thần bắt đầu có xu hướng tăng, với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu mong muốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thế hệ sau. Hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống hơn qua việc phát triển một số hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm… tạo thành các rào cản, nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mất đi cơ hội kinh doanh.
Có 3 vấn đề được ông Sơn đưa ra tại Hội thảo chuyên đề lần này để lãnh đạo các cơ quan chức năng, các chuyên gia trao đổi, phát hiện và kiến nghị tháo gỡ các rào cản nút thắt để kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế; tìm ra giải pháp tạo đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo, từ hạ tầng, thị trường, đến hành lang pháp lý… để các nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt kịp xu thế chung của khu vực và thế giới; khuyến khích mọi nguồn lực và các thành phần trong xã hội phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo để đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp thành công bao gồm:
Một là, trên thế giới hiện đang có các phương thức/mô hình kinh doanh mới nào? Những mô hình kinh doanh mới nào là cần thiết và phù hợp đối với Việt Nam? Chẳng hạn như nâng cao được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; phù hợp với qui mô kinh doanh nhỏ; phát huy được các lợi thế của Việt Nam về nhân lực trẻ, linh hoạt và sáng tạo…; tận dụng được các FDI và chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị có sẵn… Mô hình kinh doanh nào vừa phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam vừa hài hòa với các mô hình kinh doanh trên thế giới? Đây sẽ là định hướng quan trọng cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Việt Nam.
Hai là, xu hướng “ứng xử” của các quốc gia với những mô hình kinh doanh mới trong thời đại số. Theo đó, cần làm rõ quan điểm, cơ chế và chính sách phù hợp của Nhà nước về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu; bảo đảm chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả đối tượng khác nhau; các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách để liên tục thích ứng với môi trường mới đang biến đổi nhanh chóng, bằng cách tự thay đổi chính mình.
Ba là, những giải pháp khuyến khích các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, với 6 nội dung cơ bản liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia; tối ưu hóa môi trường pháp lý; tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng; tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ; hỗ trợ tiếp cận tài chính; và nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ.
Bốn là, những vấn đề về xây dựng thị trường vốn chuyên biệt cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Đảm bảo nguồn vốn thường xuyên để hoạt động và phát triển là một trong những vấn đề sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các nút thắt về cơ chế tài chính hiện tại là rất cần thiết, trong đó có vấn đề xây dựng thị trường vốn chuyên biệt dành riêng cho doanh nghiệp startup, giúp kết nối doanh nghiệp với nhà đầu tư, từ đó các startup có thể tiếp cận được nguồn vốn đa dạng và dễ dàng hơn.
>> CEO Rynan Holdings JSC: Không có công thức nào để khởi nghiệp thành công