CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vừa công bố BCTC quý II và 6 tháng đầu năm 2018 với “những đau đớn nhất định”.
Kết thúc quý II, doanh thu của TTF giảm mạnh 59% xuống còn 124 tỷ, trong khi giá vốn tăng cao khiến công ty phải chịu lỗ gộp 70 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng cao cùng việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên đến 370 tỷ đồng. Theo đó, quý II, TTF lỗ 565 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước TTF lãi 17,6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận 362 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 29% so với mức 512 tỷ nửa đầu năm ngoái.
Chi phí giá vốn, lãi vay cùng chi phí quản lý “ăn mòn” kết quả kinh doanh của TTF khiến công ty lỗ 568 tỷ đồng, riêng cổ đông công ty mẹ lỗ hơn 561 tỷ đồng. Với khoản lỗ này, TTF đã nâng tổng lỗ lũy kế đến 30/6 lên 1.927 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2018, hàng tồn kho của TTF ghi nhận mức 1.754 tỷ đồng, tăng 141 tỷ đồng so với đầu kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là nguyên vật liệu 966 tỷ, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 698 tỷ và 105 tỷ đồng thành phẩm; trong đó tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm là các vấn đề mà ban lãnh đạo TTF cho biết sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2018.
Mặt khác, Công ty hiện có 428 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, giảm mạnh so con số 1.537 tỷ đầu năm do tăng trích lập dự phòng và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng giảm.
Đáng chú ý, trong quý II/2018 không có nhiều những khoản lỗ lên đến cả trăm tỷ nên mức lỗ 565 tỷ đồng của Gỗ Trường Thành tỏ ra vượt trội so với những doanh nghiệp còn lại.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 cuối tháng 4 vừa qua, ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc Trường Thành, khẳng định công ty sẽ tập trung xử lý hàng tồn kho và các khoản phải thu khó đòi trước để cân đối tài chính doanh nghiệp.
Kết quả tái cấu trúc khó khăn cũng chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu TTF đang được giao dịch ở vùng giá chỉ 3.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị TTF đã giảm hơn 55%.
Vị trí thứ 2 thuộc về Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP), lỗ 121 tỷ đồng trong quý II và lỗ 201 tỷ đồng trong 6 tháng. Những doanh nghiệp có mức lỗ lớn khác gồm có: Đạm Hà Bắc (83 tỷ đồng), Thép Việt Ý (68 tỷ đồng), PVD (67 tỷ đồng), Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam - Vitranschart (63 tỷ)...
>> Gỗ Trường Thành tiếp tục bán vốn tại công ty con