Dealstreet Asia dẫn nguồn The Information cho biết hai gã khổng lồ Grab và Gojek đang thảo luận về một thương vụ sáp nhập tiềm năng trong tương lai.
Theo đó, Chủ tịch Grab Ming Maa và CEO Gojek Andre Soelistyo đã gặp nhau đầu tháng này. Tuy nhiên, khoảng cách đến một thỏa thuận vẫn còn rất xa.
Trao đổi với Gojek, đại diện hãng này cho biết: "Hiện tại chúng tôi chưa có kế hoạch liên quan đến việc sáp nhập". Còn phía Grab không bình luận về thông tin nói trên.
Hiện chưa rõ nếu thương vụ sáp nhập thành công, Grab hay Gojek sẽ là bên kiểm soát liên doanh. Dealstreet Asia cho hay Gojek mong muốn một thỏa thuận sáp nhập ngang bằng 50-50 trong khi Grab muốn nắm tỷ lệ chi phối nếu sáp nhập.
Gojek là công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp số đang bùng nổ của Indonesia, đất nước đông dân thứ 4 thế giới với 264 triệu người. Indonesia còn là quê hương của các kỳ lân khác như Tokopedia và Bukalapak, cũng là nhân tố thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử và nền kinh tế số của Indonesia và Đông Nam Á.
Thông qua GoViet, Gojek tiếp cận thị trường Việt Nam và vận hành các dịch vụ gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood) tại Hà Nội và TP.HCM.
Nếu thương vụ sáp nhập Grab-Gojek xảy ra, khu vực Đông Nam Á sẽ chỉ còn lại một cái tên duy nhất chi phối thị trường gọi xe.
Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách và liên doanh mới khi đó sẽ phải trải qua các cuộc điều tra về chống độc quyền. Điều này từng diễn ra khi Uber bán lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab vào năm 2018.
Chụ thể, sau thương vụ nói trên, Philippines đã đưa ra mức phạt 16 triệu peso, tương đương 297 nghìn USD với Grab và Uber. Đây là mức phạt nhỏ hơn rất nhiều so với mức phạt Singapore đưa ra là 9,5 triệu USD vì vụ sáp nhập của 2 Công ty.
Tháng trước, Singapore đã ra tuyên bố phạt 2 công ty này 9,5 triệu USD (221.3 tỷ đồng) với lý do sau khi Grab thâu tóm Uber, mức độ cạnh tranh trên thị trường gọi xe tại Singapore đã giảm đi rõ rệt.
Ngày 26/3/2018, Grab tuyên bố họ đã mua lại các hoạt động tại khu vực Đông Nam Á của Uber, đánh dấu sự "ngự trị" trên diện rộng của thị trường đặt xe ứng dụng công nghệ.
Grab đã mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn của Uber tại thị trường Đông Nam Á, đồng thời tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính của Grab. Đổi lại, Uber giữ 27,5% cổ phần tại Grab, đồng thời CEO của Uber sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.