Nguyên nhân do công ty này đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với việc đăng ký khoản vay nước ngoài.
Cụ thể, Grab không tuân thủ quy định về thời hạn gửi hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài đối với khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn một năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên. Hành vi trên của Grab đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 và điểm c khoản 3 Điều 13 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN.
Trong thời hạn 10 ngày từ khi nhận được quyết định xử phạt, Grab phải nộp tiền vào tài khoản Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội. Nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Đây là lần thứ 2 từ đầu năm Grab bị cơ quan quản lý xử phạt với cùng một nội dung vi phạm. Hồi tháng 5, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt với cùng hành vi vi phạm tương tự của Grab. Số tiền phạt khi đó cũng là 120 triệu đồng.
Grab hiện là ứng dụng đặt xe và giao đồ ăn có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 9, hãng nghiên cứu ABI cho biết, ứng dụng này đang chiếm 73% thị phần gọi xe với 146 triệu chuyến trên cả nước.
Mặc dù, Grab chiếm đa số thị phần nhưng doanh nghiệp này tại thị trường Việt Nam lại liên tục hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Theo công bố từ công ty mẹ - Grab Holdings Inc, đến cuối năm nay, tổng số vốn tập đoàn mẹ đã rót vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD và dự kiến rót thêm 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới.
Để có nguồn vốn duy trì kinh doanh thua lỗ cho các thị trường, công ty mẹ - Grab Holdings cũng phải thực hiện nhiều vòng gọi vốn từ các nhà đầu tư. Lần gần nhất công ty này huy động được 1,46 tỷ USD từ Quỹ Vision của SoftBank. Khoản vốn tăng thêm từ SVF nâng tổng số vốn huy động được trong vòng gọi vốn Series H của công ty lên hơn 4,5 tỷ USD.
Các nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn này gồm có Toyota Motor Corporation, Oppenheimer Funds, Hyundai Motor Group, Booking Holdings, Microsoft Corporation, Ping An Capital và Yamaha Motor.