Hà Nội có chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô?

Đó là câu hỏi được đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đặt ra cho các đại biểu có mặt tại Hội nghị lần thứ hai mươi ba, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng do Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội tổ chức.
Hà Nội có chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô?

Hội nghị diễn ra sáng nay (22/4), tại trụ sở Thành ủy Hà Nội.

Tại hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy có bài phát biểu khai mạc. Tạp chí Thương Gia trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

Thực hiện Chương trình công tác toàn khóa và Chương trình làm việc năm 2020, hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tổ chức Hội nghị lần thứ hai mươi ba để thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng:

1- Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng còn lại của năm 2020 của thành phố; báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên địa bàn thành phố.

2- Về các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, gồm: Báo cáo tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015 - 2020; Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Phương hướng công tác nhân sự Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đề án phân bổ số lượng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

3- Cho chủ trương về một số dự án lớn và Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội.  

4- Xem xét, quyết định về công tác cán bộ và một số nội dung quan trọng khác.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các đại biểu tham dự Hội nghị và xin gửi tới toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Thưa các đồng chí!

Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Thành ủy đã gửi tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Sau đây, tôi xin phát biểu nhấn mạnh thêm một số nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị, có tính chất gợi mở, gợi ý nêu vấn đề để chúng ta thảo luận.

  1. V tình hình thc hin nhim v phát trin kinh tế - xã hi, an ninh, quc phòng 3 tháng đầu năm, nhim v trng tâm 9 tháng cui năm 2020 ca thành ph; báo cáo kết qu thc hin công tác phòng, chng dch bnh viêm đường hô hp cp Covid-19 trên địa bàn thành ph.

Kinh tế - xã hội thành phố trong quý I-2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi: Cho đến nay, dư luận quốc tế cơ bản thống nhất đánh giá, Covid-19 là đại dịch lớn nhất hành tinh, làm thay đổi đời sống con người lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II; đặt ra thách thức toàn diện cho cả thế giới và Việt Nam về (1) bảo vệ sức khỏe cộng đồng; (2) duy trì phát triển kinh tế - xã hội và (3) ổn định chính trị, xã hội. Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và nhiều khách vãng lai, Thủ đô Hà Nội là một địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước (số ca lây nhiễm nhiều nhất, nhiều ổ dịch phức tạp như: Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi…).

Dịch Covid-19 đã và đang tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại; làm đình trệ, đóng băng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất “cầm chừng”, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động.

* Về phòng, chống dịch Covid-19: Thành ủy đã ban hành 29 văn bản, bao gồm nhiều công điện, kế hoạch, thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, đặc biệt là Chỉ thị 31 ngày 3-4-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần chủ động, bản lĩnh, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết liệt với phương châm “chống dịch như chống giặc” và đã kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô và góp phần vào thành công chung của cả nước trên mặt trận phòng, chống dịch.

Đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy; việc tổ chức triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia và Thành ủy; những thành tựu, kết quả nổi bật, nhất là vai trò của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu (bác sỹ, y tá, bộ đội, công an; cán bộ thôn, tổ dân phố, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí…) và vai trò hết sức quan trọng, có tính quyết định là niềm tin vào Chính phủ, vào thành phố, tinh thần đoàn kết, hợp tác của nhân dân Thủ đô; chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm và định hướng, giải pháp trong thời gian tới khi rủi ro, nguy cơ vẫn hiện hữu do đã có những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đã mất dấu F0 và một số trường hợp khỏi bệnh nhưng đã dương tính trở lại.

* Về tình hình kinh tế, xã hội: Quý I-2020, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, GRDP đạt 3,72%, tuy không đạt kế hoạch nhưng là kết quả nỗ lực, cố gắng rất lớn của thành phố trong điều kiện bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19 (nếu nông nghiệp không tăng trưởng âm 1,17% thì tăng trưởng GRDP của thành phố cao hơn bình quân cả nước); và đây cũng là mức tăng trưởng cao so với các thành phố lớn trong nước và khu vực. Đề nghị Thành ủy tập trung phân tích, đánh giá vấn đề này, những nguyên nhân đã giúp thành phố duy trì được mức tăng trưởng khá tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả nước, được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen ngợi.

Phải chăng, bên cạnh mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 (phải tập trung nguồn lực, công sức và thời gian), Thành ủy và UBND thành phố đã không bỏ quên, đã âm thầm, lặng lẽ nhưng cũng rất quyết liệt trên mặt trận thứ hai - mặt trận kinh tế với chủ trương thực hiện “nhiệm vụ kép” ngay từ những ngày đầu chống dịch. Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã làm việc, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội (tăng cường sản xuất nông nghiệp, về dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; về giải ngân vốn đầu tư công; làm việc với Đảng bộ khối doanh nghiệp Hà Nội và 11 tổng công ty lớn của thành phố; Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đã đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, là địa phương đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ quan tâm làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về kinh tế, xã hội…); phải chăng là tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công xưởng, nhà máy, từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh… trên địa bàn thành phố?

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hànộimới
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hànộimới

Bên cạnh đó, đề nghị Thành ủy tập trung thảo luận, phân tích đánh giá thực trạng nhiều chỉ tiêu đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ; nông nghiệp thành phố tăng trưởng âm 1,17% (cả nước tăng nhẹ 0,08%); chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… thấp hơn so với cả nước; chỉ số giá tiêu dùng, nhất là giá thịt lợn tăng cao; giải ngân đầu tư công đạt rất thấp (đến ngày 20-4-2020 mới đạt 15%), nhiều dự án đầu tư công, tư nhân, PPP bị ách tắc… Trên cơ sở đó, đề nghị các đồng chí thảo luận, cho ý kiến về những định hướng, giải pháp lớn để phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng cuối năm.

Tại hội nghị này, chúng ta phải trả lời được câu hỏi “Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19; liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không? Và để làm điều đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, quận, huyện doanh nghiệp và người dân phải làm gì?". Đề nghị các đồng chí thảo luận những định hướng, giải pháp thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (phấn đấu nông nghiệp tăng trưởng đạt 4-5%), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần “góp gió thành bão”, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân, đẩy mạnh sản xuất những lĩnh vực, mặt hàng có lợi thế trong điều kiện phòng, chống dịch (hóa chất, khẩu trang, thuốc sát trùng, dược phẩm…) hoặc cần thiết và có tiềm năng phát triển mạnh như: Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến…

  1. V các ni dung chun b cho Đại hi Đảng b thành ph

Trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đảng bộ trực thuộc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 155-KH/TU của Thành ủy bảo đảm chất lượng, tiến độ. Triển khai 16 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy làm việc với các đảng bộ trực thuộc về công tác chỉ đạo đại hội. Đến hết quý I-2020, toàn Đảng bộ thành phố đã có 16.317/17.116 chi bộ tổ chức đại hội, đạt tỷ lệ 95,33%; đã có 83/89 đảng bộ, chi bộ cơ sở tổ chức đại hội điểm, đạt tỷ lệ 93,26%. Nhìn chung, cấp ủy các địa phương, đơn vị đã tổ chức đại hội theo đúng quy định Điều lệ Đảng; không khí đại hội diễn ra trang trọng; văn kiện và các tài liệu trong đại hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng. Công tác bầu cử nhân sự cấp ủy, nhân sự đoàn đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên được thực hiện đúng quy chế bầu cử; theo đúng phương án nhân sự đã được phê duyệt.

Đối với công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, các Tiểu ban Đại hội tiếp tục triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tiểu ban nhân sự đã họp để triển khai các bước chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định; thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015 - 2020; cho ý kiến về phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nhân sự Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các báo cáo, văn kiện được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này (gồm: Báo cáo tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015 - 2020; Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Phương hướng công tác nhân sự Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đề án phân bổ số lượng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII) là những tài liệu rất quan trọng của Đại hội. Với tinh thần khách quan, thẳng thắn, cầu thị, đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận sâu sắc nhằm bảo đảm tiến độ và thành công của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.

III. V ch trương đầu tư 2 tuyến đường st đô th và d án Thành ph thông minh trên địa bàn thành ph

  1. V hai tuyến đường st đô th

Như các đồng chí đã biết, các Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc là hạ tầng giao thông vô cùng quan trọng cho phát triển thành phố. Đây là các dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo đề nghị của Chính phủ. Theo quy chế làm việc của Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến thông qua chủ trương triển khai của dự án đầu tư để Ban Cán sự đảng UBND thành phố triển khai các bước tiếp theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Đề nghị Thành ủy nghiên cứu kỹ lưỡng, cho ý kiến về sự cần thiết, sự phù hợp của các dự án với Quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Chiến lược phát triển đường sắt đô thị của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; căn cứ pháp lý, thẩm quyền quyết định, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình phê duyệt, triển khai dự án.   

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Ga Hà Nội đến Hoàng Mai được đề xuất đầu tư từ nguồn vốn ODA, cần tính toán như thế nào các phương án về cơ chế tài chính, khả năng cân đối nguồn vốn, hạn mức vay nợ của thành phố, xác định thành tố ưu đãi của khoản vay, nguồn vay Dự án và tiến độ thực hiện.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc được đề xuất từ nguồn vốn ngân sách thành phố, cần tính toán về khả năng cân đối vốn từ các nguồn, nhất là trong bối cảnh mới như: Vốn từ đầu tư công, vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp, vốn từ đấu giá một số khu đất, vốn từ phát hành trái phiếu, vốn vay từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, chi phí lãi vay, hạn mức vay nợ của thành phố;…

  1. V ch trương nghiên cu điu chnh cc b Quy hoch chung xây dng Thđô Hà Ni đến năm 2030 tm nhìn đến năm 2050 ti khu vc giai đon 1 và mt phn giai đon 2 d án Thành ph thông minh

Theo báo cáo, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất hai nội dung: (1) Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và (2) Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị GN tỷ lệ 1/5.000 tại khu vực giai đoạn 1 và một phần giai đoạn 2 dự án Thành phố thông minh thuộc xã Hải Bối và xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Việc xem xét, cho chủ trương nghiên cứu điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc cho chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị GN tỷ lệ 1/5.000 thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy sau khi Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt theo quy định.

Thành phố thông minh là dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia và thành phố, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, là mục tiêu hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Dự án phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52-NQ/TW về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững của Chính phủ được phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1-8-2018 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố.

Trên cơ sở Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, đề nghị Ban Chấp hành tập trung thảo luận kỹ lưỡng về sự cần thiết, căn cứ pháp lý và thẩm quyền, cho ý kiến cụ thể về phương án điều chỉnh và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án.

Thưa các đồng chí!

Hội nghị của chúng ta diễn ra đúng vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp cơ sở, tiến tới đại hội cấp đảng bộ trực thuộc Thành ủy, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng và hướng tới nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của Thủ đô và đất nước: Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 75 năm thành lập nước; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội..., trong bối cảnh cả thế giới và đất nước đối mặt với nhiều thách thức lớn từ dịch Covid-19. Những nội dung của hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đề nghị các đồng chí Thành ủy viên phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, phương hướng và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp. Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ hai mươi ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...