Hà Nội: Công tác quản lý nhà chung cư còn nhiều bất cập

Sáng 6/7, báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp thứ Sáu HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, công tác quản lý chung cư còn nhiều bất cập và UBND TP đang tiến hành các giải pháp để tháo

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng trình bày báo cáo tại phiên chất vấn

Ngày 6/7, kỳ họp thứ 6 HĐND dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp, phiên chất vấn tài hội trường HĐND đề xuất một nhóm vấn đề chính là việc chấp hành pháp luật trong quản lý sử dụng nhà chung cư. Lý do được đưa ra là việc quản lý vận hành nhà chung cư tại Hà Nội còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc.

Các vấn đề còn đặt ra như tranh chấp phần diện chung riêng, không bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì, hoạt động của ban quản trị, trách nhiệm quản lý Nhà nước. Từ phiên chất vấn, TP Hà Nội sẽ tìm nguyên nhân,trách nhiệm, giải pháp để quản lý nhà chung cư trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng, có 6 tồn tại hạn chế trong quản lý nhà chung cư hiện nay là: Việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư là thủ tục đầu tiên để triển khai các thủ tục quản lý vận hành nhà theo nguyên tắc công khai, dân chủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và kết quả còn hạn chế; Việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư còn chậm, chưa đầy đủ gây khó khăn trong công tác quản lý; Một số chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% dẫn đến Ban quản trị nhà chung cư không đủ điều kiện hoạt động, nhiều trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và Ban quản trị; Còn tồn tại những bất cập trong công tác PCCC; Hệ thống văn bản QPPL về quản lý vận hành nhà chung cư còn thiếu sự đồng bộ; một số quy định còn thiếu, chưa cụ thể.

Trong thời gian tới, UBND TP đưa ra một số giải pháp để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư như: Tạo các điều kiện cho cư dân tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị (phải hoàn thành trong quý III/2018); Thực hiện nghiêm túc việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao kinh phí bảo trì, công tác quản lý vận hành, xác định và bàn giao diện tích sở hữu chung; Chấn chỉnh công tác đảm bảo PCCC; Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách...

Về thực trạng quản lý nhà chung cư, đối với chung cư thương mại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 697 (cụm, tòa) nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng (trong đó: Tính đến năm 2017 là 688 nhà chung cư và 06 tháng đầu năm 2018 có thêm 09 nhà chung cư), trong đó: Trước khi có Luật Nhà ở là 137 nhà chung cư, từ khi có Luật Nhà ở là 560 nhà chung cư (việc phân loại này là cơ sở để lựa chọn áp dụng quy định của pháp luật trong đánh giá, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp giải quyết vướng mắc, tồn tại phù hợp). Trong đó, 454/697 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị.

Đối với nhà chung cư tái định cư: Tổng số nhà chung cư tái định cư là 168 tòa, trong đó: Hình thành trước Luật Nhà ở 2005 có 79 tòa nhà; hình thành sau Luật Nhà ở 2005 có 89 tòa nhà. Đã có 73/168 tòa nhà chung cư thành lập được Ban quản trị, đạt tỷ lệ 43,6%. 

Có thể bạn quan tâm