Xử lý dứt điểm sai phạm của Dự án 8B Lê Trực và B5 Cầu Diễn
Liên quan đến trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị liên quan xử lý xong giai đoạn 1 (tầng 19 + tum thang) phần công trình sai phạm tại số 8B Lê Trực quận Ba Đình. Hiện đã có phương án phá dỡ giai đoạn 2. Trên cơ sở phương án này, Sở Xây dựng đã có ý kiến về phương pháp xác định chi phí phá dỡ giai đoạn 2 tại văn bản số 1863/SXD-QLXD ngày 9/3/2018.
Dự án B5 Cầu Diễn là dự án xây dựng nhà ở chung cư tại quận Bắc Từ Liêm do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất liên danh đầu tư. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư tự ý dựng lán trại, nhà điều hành quản lý, thi công cọc khoan nhồi (59 cọc) nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, chưa được cấp phép xây dựng, huy động vốn trái pháp luật. Các hành vi vi phạm trên đã được Thanh tra TP thanh tra kết luận số 2398/KL-TTTP(P7) ngày 30/9/2014, đồng thời UBND TP có văn bản số 1610/UBND-TNMT ngày 10-3-2015 chỉ đạo xử lý, khắc phụcvà giao các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Các đối tượng vi phạm đã bị xử lý hình sự theo quy định.
Giảm áp lực cho học sinh
Về vấn đề giáo dục, cử tri huyện Hoài Đức đề nghị các cấp xem xét thay đổi, cải cách giáo dục nhằm giảm tải chương trình học tập cho học sinh.
Trả lời vấn đề này UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã và đang thực hiện giảm tải cho học sinh với những phương án cụ thể. Chẳng hạn với cấp tiểu học, với trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày: thời lượng tối đa 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/tuần. Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày thì thời lượng dạy và học không quá 7 tiết/ngày (một tuần không quá 35 tiết). Phải đảm bảo thời lượng tối thiểu có 1 tiết/ngày học sinh tự học có hướng dẫn; các tiết tự học có hướng dẫn cùng các tiết học liên kết và tăng cường bổ trợ được xếp vào các giờ học buổi chiều của các ngày học trong tuần. Đồng thời, nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh.
Việc dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học là tổ chức cho học sinh học tập và vui chơi trong ngày ở trường. Buổi thứ nhất thực hiện chương trình chính khóa, buổi thứ hai là thời gian dành để bổ sung chương trình và tổ chức ôn luyện kiến thức đã học, tăng cường nội dung các môn nghệ thuật, thể dục nhằm phát triển năng khiếu cho học sinh, tổ chức dạy học các môn tự chọn và các hoạt động tập thể. Dạy 2 buổi/ngày giúp giáo viên có thời gian và điều kiện gần gũi, gắn bó với học sinh hơn, thông qua đó để phát hiện năng khiếu cũng như giúp học sinh bổ sung những kiến thức cơ bản cần thiết; giảm áp lực học tập cho học sinh, các em có điều kiện hoàn thành bài ngay tại lớp mà không phải mang bài về nhà. Như vậy việc học 2 buổi/ngày, tăng thời gian học tập tại trường thực chất là giảm áp lực học tập cho học sinh.
Vẫn lo vệ sinh an toàn thực phẩm
Cử tri quận Hoàn Kiếm, huyện Hoài Đức đặt câu hỏi UBND TP có biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng thực phẩm độc hại, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khỏe của người dân?
Về vấn đề này UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã tập trung chỉ đạo các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai công tác ATTP hàng năm và vào các dịp cao điểm về ATTP trên địa bàn. Tăng cường phổ biến các văn bản mới, kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và nhân viên tham gia sản xuất thực phẩm; cho người tiêu dùng. Công tác thanh kiểm tra về ATTP được triển khai có trọng tâm, trọng điểm qua các đợt thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất, tiếp nhận thông tin qua phản ánh của công dân, báo chí.
Còn rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc khác như rác thải, nước thải tồn đọng, được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nặng nề mất vệ sinh môi trường, thời gian hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa đường ống nước sông Đà số 2… và nhiều vấn đề khác cũng được cử tri gửi đến các đại biểu HĐND TP.
Theo Đại Đoàn Kết