Để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP. Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm.
“Sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. Bên cạnh đó, hiện người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Do đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông lâm thủy sản chú ý yếu tố này”, ông Trần Duy Đông khuyến cáo.
Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào các ngày 30-31/1/2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và là ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7/2/2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng.
Về giá cả, Bộ Công Thương dự báo, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn do các doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá. Còn tại các chợ dân sinh, những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, do có sự đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định, sẽ góp phần kiềm chế mức giá chung tại chợ dân sinh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, đến thời điểm này có thể khẳng định nguồn hàng cho Tết Dương lịch và Tết Âm lịch không thiếu, không có tình trạng “sốt hàng” hoặc giá cả tăng cao đột biến. Thứ trưởng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh thông tin truyền thông thời gian trước Tết để người dân nắm được, tránh tâm lý tích trữ hàng hóa.