Theo BHXH TP. Hà Nội, cơ quan này đã đề nghị Công an TP phối hợp điều tra, xác minh tại 11 đơn vị nợ BHXH với số tiền trên 57 tỷ đồng. Sau khi có văn bản đề nghị, các đơn vị đã nộp trên 29 tỷ đồng tiền BHXH.
Cùng với đó, cơ quan thuế đã phối hợp cung cấp mã số thuế của 176.912 đơn vị mới thành lập; danh sách 41.937 đơn vị ngừng, dừng sản xuất kinh doanh, bỏ trốn, bị phong tỏa hóa đơn; 6.432 đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Cũng theo số liệu được BHXH TP. Hà Nội đưa ra, năm 2016, tỷ lệ nợ trên địa bàn thành phố là 7,99%, năm 2017 giảm còn 3,9%, năm 2018 là 2,53%. Đến tháng 6/2019, có 33.593 đơn vị còn nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với trên 486.000 lao động, số tiền nợ phải tính lãi là 1.928,3 tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018).
Theo đại diện BHXH TP. Hà Nội, mặc dù tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố đã giảm nhưng ý thức chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc; nhiều đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; người lao động nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, có tình trạng thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia.
Danh sách đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN (Nguồn bảo hiểm xã hội Hà Nội)
Cùng với đó là số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Theo đó, để bảo đảm quyền lợi của người lao động và hoàn thành các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ BHXH năm 2019 do UBND TP. Hà Nội giao (dưới 2%), liên ngành: Công an, Liên đoàn Lao động, Thanh tra, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, BHXH thống nhất tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.