Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, gồm cả đi trên cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng, đi ngầm.
"Tổng mức đầu tư dự kiến các dự án trên vào khoảng 40 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu về vốn giai đoạn 2017-2020 khoảng 7,5 tỷ USD; 2021-2025 khoảng 7,6 tỷ USD; từ 2026-2030 khoảng 3,5 tỷ USD; sau 2031 là hơn 21,3 tỷ USD.
Về phương án đầu tư, thành phố Hà Nội đề xuất: Phương án 1 ưu tiên theo thứ tự bố trí nguồn vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo. Phương án 2, đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA để thực hiện đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 3 (tuyến Trần Hưng Đạo-Thượng Đình hơn 1,2 tỷ USD; tuyến Ga Hà Nội-Yên Sở hơn 1 tỷ USD). Các dự án còn lại đề xuất cho thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và triển khai trong giai đoạn 2017-2020, 2020-2030 và sau năm 2030.
Cũng theo UBND TP. Hà Nội, trong số 5 tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020, hiện có 2 tuyến đang thi công là Cát Linh-Hà Đông và Ga Hà Nội-Nhổn. Tuy nhiên, chỉ có tuyến Cát Linh-Hà Đông dự kiến đưa vào khai thác vào cuối quý II-2018; tuyến Nhổn-Ga Hà Nội dự kiến khai thác năm 2021. Các dự án khác mới đang trong quá trình thiết kế hoặc chuẩn bị khởi công xây dựng, nên khả năng phải sau năm 2020 mới hoàn thành.
>> Vay 53.000 tỷ làm đường sắt đô thị: Không thể không vay