Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian cách ly xã hội

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Thành phố đề xuất với Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới ngày 30/4/2020.
Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian cách ly xã hội

Sáng 15/4, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đánh giá kết quả sau 2 tuần thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành uỷ về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Thành phố, tới nay Hà Nội đã có 113 ca mắc (51 trường hợp đã khỏi, ra viện và 62 trường hợp còn đang điều trị), trong đó có 40 ca phát hiện tại sân bay/khu cách ly tập trung và 73 ca phát hiện tại cộng đồng (đều liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai).

Khi phát hiện ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khoang vùng, cách ly, rà soát nhưng người liên quan, tổ chức xét nghiệm sàng lọc và phối hợp thông tin với các địa phương, tổ chức khác để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; tổ chức xử lý phòng chống dịch tại bệnh viện Thận Hà Nội và xác minh các trường hợp F1 liên quan tới bệnh nhân mới nhất ở thôn Đông Cữu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.

Nhiều ý kiến trong Ban Thường vụ Thành uỷ đánh giá các sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan, tổ chức đã triển khai quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành uỷ với phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó có 14, quận, huyện đã tiếp tục ban hành chỉ thị riêng, còn lại là ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 31; hệ thống chính trị cơ sở phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên từng địa bàn; công tác thông tin tuyên truyền minh bạch, kip thời; tuyệt đại đa số nhân dân Thủ đô tự giác thực hiện giãn cách xã hội chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thành uỷ, UBND Thành phố; Thường trực Thành uỷ và Hội đồng nhân dân Thành phố đã kịp thời thông qua chủ trương, chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu tác động bởi dịch bệnh.

Nhờ đó, qua 2 tuần, thành phố Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt, khá chủ động, ngăn chặn lây lan virus SAR-COV-2 gây bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Các hoạt động kinh tế theo Chỉ thị số 16 vẫn được duy trì, hàng hoá, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định, các phong trào xã hội được nhân rộng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức của Thành phố đóng góp 1 ngày lương cơ bản với giá trị 56,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trong phòng, chống dịch bệnh khi một số nơi vẫn còn hạn chế; người dân có biểu hiện chủ quan, không thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội trong những ngày gầy đây; xuất hiện tình trạng phức tạp về an ninh trật tự như đua xe, nổ súng,...

Trước diễn biến dịch COVID-19 có biểu hiện phức tạp hơn như thời gian ủ bệnh lâu hơn (trên 30 ngày), tái phát bệnh sau khi khỏi và còn hàng nghìn trường hợp xét nghiệp sàng lọc chưa có kết quả cuối cùng, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội tiếp tục kéo dài việc thực hiện Chỉ thị số 16 trên địa bàn.

Thống nhất với các ý kiến của Ban Thường vụ Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đề nghị Ban Tuyên giáo và Văn phòng Thành uỷ xây dựng Thông báo kết luận cuộc họp, phổ biến rộng rãi để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ tới các cơ sở đảng.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Thành phố đề xuất với Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 tới ngày 30/4/2020.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục duy trì sự thông suốt của các hệ thống chính trị, không thể đình trệ để bảo đảm các công tác khác của Thành phố; tiếp tục bảo đảm công tác khám chữa bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh được phép theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên cơ sở tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và hoạt động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp (do chính quyền, các hiệp hội ngành hàng thống nhất ban hành), có giám sát thường xuyên.

Các cấp uỷ, chính quyền tích cực chuẩn bị cho đại hội cơ sở và công tác xây dựng văn kiện đại hội đảng; triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, đúng đối tượng và nhanh chóng triển khai thêm các gói hỗ trợ riêng của Thành phố, bảo đảm công khai minh bạch, nếu xảy ra sai phạm thì áp dụng hình phạt tăng nặng; tăng cường tiết kiệm chi tiêu,bảo đảm chi đúng chính sách, đúng chế độ và kỷ cương ngân sách.

Xem thêm

Hà Nội bổ sung 650 tỷ đồng giúp người dân trong dịch Covid-19

Hà Nội bổ sung 650 tỷ đồng giúp người dân trong dịch Covid-19

HĐND TP. Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố, cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hai do dịch bệnh COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...