Thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, điển hình là hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng.
Công tác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn bộc lộ nhiều vi phạm như: sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất không đảm bảo, nhân viên không được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
Hiện, toàn TP. Hà Nội có hơn 4.200 bếp ăn tập thể (1.000 bếp ăn tại các trường học), nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm nhập khẩu giá rẻ cho các bếp ăn trong khi công tác kiểm soát còn yếu.
Đáng chú ý, 6 tuyến vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại đang gây khó khăn cho công tác kiểm soát.
Để khắc phục tình trạng này, Công an TP. Hà Nội đã kiến nghị thành phố tạo điều kiện, khuyến khích xây dựng và phát triển mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh sản phẩm an toàn.
Duy trì, phổ biến kênh thông tin về an toàn thực phẩm tới người dân, thành lập chuyên trang về an toàn thực phẩm, trong đó cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Từ đó, tuyên truyền cho người dân cách nhận diện thực phẩm sạch, phân biệt thực phẩm “bẩn”, các vùng, cơ sở sản xuất an toàn trên địa bàn thành phố, các cơ sở được gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời, tiếp nhận góp ý, phản hồi của người dân liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.