Sau khi Tổng công ty Vinaconex thoái toàn bộ vốn, từ tháng 5 đến nay, nhà đầu tư mới là Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà đang tích cực triển khai giai đoạn 2 của dự án.
Trong đó, trước mắt tập trung cho việc đầu tư các hạng mục để tăng lượng nước cấp về cho Hà Nội. Một trong hai hạng mục quan trọng là xây dựng trạm điều tiết lưu lượng nước Tây Mỗ với bể chứa dung tích 30.000m3 giai đoạn 1, nhà bơm công suất 300.000 m3/ngày đêm trên tổng diện tích 4,2 ha.
Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà Nguyễn Quang Hưng cho biết hiện công tác xây dựng trạm đạt khoảng 60% khối lượng. Máy móc, thiết bị đã nhập khẩu về 100% đang thử nghiệm và chuẩn bị lắp đặt song song.
Cùng với đó, 12 mũi thi công khác, mỗi mũi 15 người, đang triển khai thi công lắp đặt 6,4km tuyến ống đường kính 1600mm dọc tuyến Đại lộ Thăng Long, từ trạm điều tiết nước Tây Mỗ đến nút giao với đường vành đai 3 Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến. Trong đó, 9 mũi thi công ống gang chìm và 3 mũi lắp đạt ống thép đi nổi.
Với lịch thi công 3 ca liên tục, nhà đầu tư đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thi công cả 2 hạng mục, cố gắng hoàn thành vào cuối tháng 10 tới để tăng lượng nước cấp thêm về Hà Nội tối đa 80.000m3/ngày đêm.
Đồng thời, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà cũng đang tiến hành song song việc lựa chọn nhà thầu và hoàn thiện công tác thiết kế thực hiện giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy tại Hòa Bình lên 600.000 m3/ngày đêm gấp đôi hiện nay. Dự kiến, giai đoạn 2 của nhà máy sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.
Với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000m3/ngày đêm, nhà máy nước sông Đà đang chiếm khoảng 1/4 tổng công suất cấp nước của Thủ đô. Tuy nhiên, do hạn chế của tuyến ống truyền dẫn từ Hòa Bình về Hà Nội nên hiện nhà máy mỗi ngày chỉ đang cấp cho Hà Nội được khoảng 220.000m3.