Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng doanh thu của các làng nghề truyền thống và các làng có nghề trong năm 2017 đạt trên 20.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 900.000 lao động.
Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có 305 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Trong các làng nghề có khoảng hơn 8.000 các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã; gần 175.000 hộ kinh doanh.
Trong năm 2017, tổng doanh thu từ các làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng... Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề truyền thống phổ biến ở mức từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng.
Trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, công nhận làng nghề, nghệ nhân, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội năm 2017 cho 10 làng nghề thuộc các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã triển khai đề xuất xét công nhận làng nghề Hà Nội năm 2017 cho 3 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên và Mê Linh; triển khai việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ năm 2017 cho 42 cá nhân trình UBND thành phố phê duyệt; triển khai xét chọn và đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân ngành thủ công mỹ nghệ cho 5 cá nhân, phong tăng Nghệ nhân Nhân dân và 17 cá nhân ưu tú, trình UBND thành phố phê duyệt; đề nghị chọn 31 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2017.
Về kế hoạch phát triển nghề và làng nghề của thành phố năm 2018, cùng với xây dựng chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ... các sở, ngành thành phố sẽ chú trọng cho công tác đào tạo nghề.
Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hớp với Ban chỉ đạo 1956 cấp huyện hướng dẫn các phòng chuyên môn cấp huyện và các cơ sở dạy nghề triển khai công tác đào tạo nghề cho 24.000 người (nghề nông nghiệp 13.265 người, nghề phi nông nghiệp 10.735 người).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 2.000 lao động của các làng nghề, làng có nghề trên địa bàn; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn cho 4 loại hình (hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm; phát triển nghề chế biến lâm sản; phát triển nghề chẻ tăm hương; phát triển nghề chế biến nông sản thực phẩm).
Liên minh Hợp tác xã thành phố phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ tổ chức 6 lớp cấy nghề, truyền nghề mộc dân dụng, mây tre đan cho các hợp tác xã trên địa bàn; hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề...
Thành phố phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề đang có mức ô nhiễm nghiêm trọng; nâng cấp hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800 nghìn đến một triệu lao động nông thôn với thu nhập đạt từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/người/năm…
Ðể thực hiện được những mục tiêu này, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề nói chung, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề. Hà Nội cũng đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới cho làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Báo Đầu Tư