Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa có tờ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi Quốc hội.
Về quy định chính quyền tại Thủ đô, Chính phủ cho biết, qua quá trình soạn thảo luật, đa số ý kiến của cơ quan, đơn vị địa phương thống nhất không tổ chức HĐND phường.
Do đó, Hà Nội đề xuất quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026, không tổ chức HĐND phường, đồng thời bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Quy định cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15 của Trung ương về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô.
Theo dự thảo, Hà Nội sẽ có thêm 2 thành phố trực thuộc, cụ thể, khu vực phía Bắc là thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); khu phía Tây là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Những khu vực này sẽ có đặc thù vượt trội so với cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như tăng số lượng phó chủ tịch HĐND (từ 1 lên 2), tăng số lượng phó chủ tịch UBND (từ 3 lên 4), tăng đại biểu HĐND chuyên trách (từ 6 lên 9).
Để tăng cường tổ chức bộ máy của HĐND thành phố Hà Nội, Chính phủ đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 đại biểu lên 125 người; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách từ 20% lên 25%.
Hà Nội là một trong hai địa phương có quy mô dân số đông nhất cả nước với tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức 1,4%/năm; số lượng người cư trú thường xuyên và làm việc tại Hà Nội khoảng trên 10 triệu người.
Với số lượng 95 đại biểu HĐND thành phố như hiện nay, bình quân 105.000 người dân/đại biểu, thấp hơn bình quân chung cả nước (26.500 người dân/đại biểu). Nếu không đủ số lượng đại biểu HĐND thì không bảo đảm được tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, số lượng Phó Chủ tịch HĐND cũng được đề xuất tăng từ 2 lên 3 người.