Hà Nội triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 từ 0 giờ ngày 19/7

Thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, công sở trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Hà Nội triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 từ 0 giờ ngày 19/7

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có công điện số 15/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 19/7 trên địa bàn toàn Thủ đô.

Cơ quan, công sở xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến

Theo công điện này, Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.

Công điện số 15 nêu rõ: “Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.”

Tuy vậy, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...); các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu/cụm công nghiệp phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, có các phương án đáp ứng khi có ca mắc tại cơ sở, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hàng ngày, cập nhật đánh giá an toàn COVID-19; chịu trách nhiệm trước chính quyền cơ sở và thành phố.

Đối với các cơ quan, công sở của thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức; người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công.

“Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ quan, đơn vị mà bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc, giao dịch trực tuyến,” Lãnh đạo thành phố Hà Nội lưu ý thêm.

Đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân

Theo công điện số 15, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến.

Bố trí tăng cường cán bộ hướng dẫn nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.

Đặc biệt, thành phố yêu cầu hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại; tổ chức lại các hoạt động vận tải, đảm bảo giao thương, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và phục vụ sản xuất và đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch của thành phố.

“Người từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển về Thủ đô thực hiện khai báo y tế ngay khi di chuyển vào địa bàn thành phố; lập tức thông tin và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với chính quyền cơ sở,” công điện nêu rõ.

Đối với công nhân, người lao động lưu trú trên địa bàn Hà Nội và người lao động từ các tỉnh, thành phố khác tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố và vùng lân cận phải đăng ký với chính quyền địa phương (nơi có công nhân, người lao động, chuyên gia cư trú; nơi có trụ sở các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan,…) đăng ký xe đưa đón hàng ngày, cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi lưu trú, trong quá trình di chuyển và nơi làm việc; kiểm soát chặt chẽ quá trình di biến động ngoài khu vực làm việc và nơi ở; thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định của cơ quan chuyên môn…

Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác chỉ giao hàng tại nơi đã đăng ký, thông báo với chính quyền cơ sở, khai báo y tế bắt buộc các địa điểm di chuyển từ điểm lấy hàng, quá trình di chuyển, các trạm dừng chân, lái xe và người trên xe phải có xét nghiệm âm tích với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR không quá 3 ngày; có cam kết chỉ dừng đỗ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu; khai báo y tế bắt buộc và đảm bảo 5K.

Liên quan đến vận chuyển, công điện lưu ý giảm 50% công suất hoạt động và 50% số ghế trên phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Chủ tịch thành phố đề nghị các đơn vị bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất; không “ngăn sông cấm chợ”; các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Các phương tiện chở người từ các tỉnh khác được phép đi qua nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn.

Đặc biệt, thành phố yêu cầu tạm thời không tổ chức đám cưới; đám tang tổ chức không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Việc tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện chính trị quan trọng của Trung ương trên địa bàn do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương quyết định.

Công điện cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại Khu/Cụm Công nghiệp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch tối đa, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong khu công nghiệp đóng trên địa bàn.

Xem thêm

Sáng 17/7: Có 2.106 ca mắc COVID-19 mới

Sáng 17/7: Có 2.106 ca mắc COVID-19 mới

Sáng 17/7 Bộ Y tế cho biết có thêm 2.106 ca mắc COVID-19, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh đã .1.769 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 46.292 bệnh nhân.
Quản lý bệnh lý nhãn khoa trong bối cảnh COVID-19

Quản lý bệnh lý nhãn khoa trong bối cảnh COVID-19

Công ty Vimedimex Bình Dương (VMBD) - Đại diện Nhà phân phối cho nhãn hàng Alcon – Novartis phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Telemedicine - Quản lý bệnh lý nhãn khoa trong bối cảnh COVID-19”.
Sáng 18/7: Thêm 2.472 ca mắc mới COVID-19

Sáng 18/7: Thêm 2.472 ca mắc mới COVID-19

Sáng 18/7, Bộ Y tế cho biết có thêm 2.472 ca mắc mới COVID-19 và 626 ca TP. Hồ Chí Minh đăng ký bổ sung, nâng tổng ca mắc tại Việt Nam lên trên 51.000

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...