Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung là Trưởng Ban chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; ông Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, làm Phó ban.
Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng chương trình, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp để tập trung thực hiện được các dự án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức đã xác định trong đề án, đảm bảo đến năm 2020 đạt được các tiêu chí thành lập quận.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020. Ban cán sự đảng UBND Thành phố được giao thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc tổ chức triển khai đề án.
Theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đề án trên cần đặc biệt tập trung hoàn thiện việc quy hoạch xây dựng, ưu tiên thúc đẩy sớm hoàn thành 8 chỉ tiêu chưa đạt; các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Đặc biệt, đề án cần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Thành phố cũng yêu cần yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đô thị.
Để có đủ nguồn lực thực hiện đề án, TP. Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với huyện Hoài Đức đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư tại chỗ từ tiềm năng đất đai trên địa bàn thông qua việc đấu thầu, đấu giá theo quy định và cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất một cách hợp lý.
Về việc bảo đảm tiến độ, TP. Hà Nội cần nghiên cứu, xem xét đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho huyện Hoài Đức thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công và phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Từ 1/8/2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, huyện Hoài Đức được sáp nhập vào Hà Nội.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính; song Hoài Đức vẫn được nhắc đến như một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đến nay cơ cấu hành chính của huyện gồm 1 thị trấn Trạm Trôi và 19 xã: Kim Chung, Đức Giang, Đức Thượng, Yên Sở, Lại Yên, Sơn Đồng, Minh Khai, An Khánh, An Thượng, La Phù, Đông La, Vân Côn, Vân Canh, Song Phương, Cát Quế, Di Trạch, Dương Liễu, Tiền Yên, Đắc Sở với diện tích 82,67 km2, dân số 198.424 người với tổng số 48.776 hộ, 132 thôn và tương đương thôn.
Huyện có 54 làng cổ truyền thống, 12 làng nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 81 di tích đã được Nhà nước ra Quyết định xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Thành phố.