Thi thoảng cũng có người thò cổ ra, chào nhau qua lần khẩu trang kín mít. Cuộc sống vẫn bình yên. Hệ thống loa nén 9 cái trên một cột vẫn đều đặn phát những bản tin cập nhật tình hình dịch bệnh. Bọn trẻ con bắt đầu học online nên mạng lag là điều tất yếu. Ai đó gọi tôi mà dùng zalo hay facebook, âm thanh sẽ truyền kiểu Slow motion thường thấy trong phim Bolywood. Điều này thật ra cũng... thường thôi.
Nhưng có một điều khác thường là ngồi nhà nhưng chợ sẽ bất chợt ngang qua trước cửa. Đó là chợ lẻ. Một món hàng duy nhất, một chiếc xe cải tiến hay một chiếc xe máy tàng, người bán cũng kín mít từ đầu đến, bao giờ cũng ngơ ngác, thẫn thờ như vừa bị mất cái gì, thường đứng lặng yên sau khi nói giá, lặng im nhận tiền. Xóm cũng gọi nhau rồi lặng yên mua. Cá to hàng cân - 30k. Trứng vịt bầu chưa đến 20k/chục. Su hào, bắp lơ ai đó ra ngoài đồng chặt về, cả xóm sang mà lấy. Bây giờ chặt hộ dân cũng là dọn ruộng giúp dân. Muốn gửi tiền cũng chẳng biết tìm ai mà gửi.
Chúng tôi đang bị phong tỏa. Rất nhiều vòng. Theo đúng phương châm “Lửa to quây to, lửa nhỏ quây nhỏ” của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh. Những chốt chặn khắp các ngả đường, người trực 24/24. Muốn đi đâu phải có giấy thông hành. Đó là giấy chứng nhận của ủy ban xã, thị trấn, của cơ quan, nêu rõ lí do đi, thời gian đi và thời gian trở về. Công nhân các nhà máy, nếu không thuộc diện cách ly, vẫn đi làm, tất nhiên phải có thẻ và nhà máy phải đảm bảo chấp hành nghiêm công tác phòng dịch. Thực tế không cần nói điều này thì nhà máy nào cũng phải tuân thủ chặt chẽ bởi chỉ cần một công nhân mắc bệnh sẽ kéo cả nhà máy đóng cửa theo. Cán bộ, công nhân viên các ban ngành, đoàn thể hoạt động hành chính được xét nghiệm Covid-19, làm việc theo phiên, tuân thủ giãn cách… Không trường hợp nào được phép ngoại lệ.
Thực sự, phải sống ở đây, trong thời điểm này mới hiểu thế nào là phong tỏa. Nhưng chúng tôi vẫn nói với nhau: Trải nghiệm thực tế này không phải ai cũng có. Chỉ có điều cầu trải nghiệm ấy qua nhanh vì khi người lao động không có việc làm đồng nghĩa với không thu nhập thì dịch giã càng kéo dài, chúng tôi càng khó chống chọi. Mọi người bên ngoài vòng phong tỏa hãy thấu hiểu điều này và hãy tiếp sức cho chúng tôi. Xin đừng đứng ngoài và nói "nếu như…”.
Nếu như ngay từ những ngày đầu chống dịch (bắt đầu từ 28/1), Hải Dương không cương quyết xử lý cách ly toàn bộ công nhân nhà máy công ty Poyun, không “điểm trúng, khoá chặt” thì có lẽ, tình hình còn nguy biến nhiều hơn. Môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân đều có sự liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng liên quan đến các địa phương lân cận.
Nếu như sau tết, chuyên gia của Bộ Y tế không nhận định, tình hình chung về dịch bệnh của Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ hơn, đặc biệt trong điều kiện thực hiện sản xuất tại các khu công nghiệp, vừa phải chống dịch, nhưng vừa phải duy trì sản xuất trong điều kiện bình thường mới (đơn cử huyện Cẩm Giàng có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân) thì có lẽ, sự phong toả sẽ giảm bớt và trạng thái cuộc sống của chúng tôi sẽ đơn giản hơn.
Nếu như mọi người xa gần đoàn kết, chung tay, có gì góp nấy, có công góp công, có của góp của, có uy tín thì góp tiếng nói xây dựng thì thầy Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Nhiệt đới Trung Ương – người đang trực tiếp tham gia chống dịch ở Chí Linh sẽ không phải lên tiếng trên mạng xã hội để trấn an người dân và phản bác những thông tin gây hoang mang dư luận.
Bài viết giữa tâm dịch này của tôi muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người: Hãy bình tâm và yên lòng. Hải Dương vẫn làm tốt công tác chống dịch. Lãnh đạo các ban ngành đoàn thể vẫn không một giờ ngơi nghỉ, vẫn cùng với lực lượng quân đội, công an, y bác sĩ túc trực ngày đêm giữ bình an cho rất nhiều người, trong đó có tôi - được ngồi đây, viết bài này.
Chúng tôi vẫn đang ngày đêm đồng lòng, chung sức, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. Chúng tôi vẫn rất cần những nhà thiện nguyện, những nhà hảo tâm và tấm lòng yêu thương từ bạn bè bốn phương. Hãy hiểu và đoàn kết cùng chúng tôi. Sự bình yên của chúng tôi ngày hôm nay, tin rằng, cũng chính là sự bình yên của các bạn, ngày mai.
Hiện, Hải Dương đã nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân từ Hà Nội và những địa phương khác như Hải Phòng, Bắc Ninh... Đây là những hành động đẹp, có giá trị hơn vạn lời nói, thể hiện tình yêu và sự san sẻ trong những lúc khó khăn. Hải Dương và tôi, một lần nữa, cảm ơn các bạn.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Gửi về từ tâm dịch Hải Dương