Hai mấu chốt của đại án Huyền Như

Hai mấu chốt trong đại án Huyền Như là mâu thuẫn về tội danh và giải quyết hậu quả dân sự về số tiền 1.085 tỉ đồng mà Như đã chiếm đoạt.
Hai mấu chốt của đại án Huyền Như

TAND TP.HCM vừa trả hồ sơ lần thứ hai vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP.HCM. Lần này cáo trạng của VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tòa đã trả hồ sơ để điều tra làm rõ theo hướng bị cáo này phạm tội tham ô tài sản.

Phạm tội kiểu “2 trong 1”

VKS đã truy tố lại Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến số tiền 1.085 tỉ đồng.

Theo đó, Như đã đứng ra vay tiền của nhiều tổ chức, cá nhân với lãi suất cao, đến năm 2010 thì mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả, Như đã lợi dụng chức danh quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank Chi nhánh TP.HCM gặp người đại diện của Công ty TMCP Đầu tư Hưng Yên, An Lộc, Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS) và Phương Đông.

Như thỏa thuận sẽ chi lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định, chi tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới riêng cho người đại diện các công ty. Các khoản chi thêm này do Như lấy tiền cá nhân trả. Khi những đơn vị đồng ý gửi tiền vào tài khoản thanh toán tại VietinBank thì Như đã lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống tiến hành các thao tác chuyển tiền từ tài khoản khách hàng sang tài khoản của Như chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng…

Tháng 1-2015, TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy một phần liên quan đến số tiền 1.085 tỉ trong số 4.000 tỉ đồng để điều tra, xét xử lại. Theo tòa, hành vi của Như có dấu hiệu tham ô tài sản.

Hai mấu chốt của đại án Huyền Như ảnh 1

Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa sơ thẩm ở TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Tòa, viện trái quan điểm nhau

Khi điều tra lại, CQĐT và VKS cho rằng không có căn cứ để thay đổi tội danh từ lừa đảo sang tham ô như bản án phúc thẩm đặt ra. Lý do là năm công ty có lỗi khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước. Họ có lỗi khi thực hiện giao dịch gửi tiền vào VietinBank và lỗi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản trong việc quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật của Như. Đồng thời xem xét lỗi của VietinBank trong việc giám sát, quản lý tiền gửi của khách hàng thì thấy từ khi Như có ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành là hành vi lừa đảo...

Tháng 4-2017, TAND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung đề nghị làm rõ hành vi tham ô của Như. Khi CQĐT, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Như lừa đảo thì tòa không đồng ý. Theo tòa, khi năm công ty mở tài khoản thanh toán tiền gửi vào VietinBank và chuyển hơn 1.085 tỉ đồng thì Như đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để đưa số tiền này ra khỏi hệ thống gửi tiền của VietinBank rồi chiếm đoạt.

Theo một thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, tòa hủy tách số tiền 1.085 tỉ trong số 4.000 tỉ đồng chiếm đoạt là có dấu hiệu tội tham ô tài sản. Truy tố lại VKS vẫn xác định là lừa đảo, nếu đưa ra xét xử thì đây không phải là hành vi phạm tội mới của Như. Mặt khác, bản án phúc thẩm đã tuyên và nhận định đến nay vẫn còn hiệu lực, VKS không có kiến nghị đề nghị giám đốc thẩm bản án mà tòa đã tuyên. Vậy việc VKS vẫn truy tố tội lừa đảo mà không theo nhận định của các cấp tòa phải chăng là tự mâu thuẫn?

Ai phải bồi thường 1.085 tỉ?

Trong bản án phúc thẩm nêu trên, tòa nhận định VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền 1.085 tỉ đồng này cho năm công ty. Bởi Như lấy tiền của VietinBank, không phải chiếm đoạt tiền của năm công ty. HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm xác định sai tội danh, sai tư cách tham gia tố tụng của các đơn vị. Theo đó, năm công ty là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (sơ thẩm coi là nguyên đơn dân sự), còn VietinBank là nguyên đơn dân sự.

Tại quyết định trả hồ sơ hai lần, TAND TP.HCM cũng cùng quan điểm cho rằng sau khi năm công ty chuyển tiền vào VietinBank, Như đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt. Tòa cũng đề nghị CQĐT xác minh tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số tiền các công ty gửi tại VietinBank đã bị Như chiếm đoạt.

Theo án sơ thẩm lần thứ nhất thì Như phạm tội lừa đảo và có trách nhiệm bồi thường số tiền trên cho công ty. Thế nhưng theo diễn biến các phiên xử phúc thẩm thì 1.085 tỉ đồng VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng là năm công ty, còn Như phải trả cho VietinBank số tiền này…

 

Các mốc của vụ án

Vụ án lừa đảo hơn 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như đã trải qua các mốc thời gian như sau:

Tháng 9-2011: Khởi tố, bắt giam Như cùng đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tháng 10-2013: VKS ra cáo trạng truy tố Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tháng 1-2014: TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Như tù chung thân về hai tội đã bị truy tố.

Đầu năm 2015, TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy một phần án sơ thẩm liên quan đến 1.085 tỉ đồng của năm công ty, cho rằng Như có dấu hiệu tham ô tài sản và VietinBank có trách nhiệm bồi thường khoản này.

Tháng 4-2017 và mới đây TAND TP.HCM hai lần trả hồ sơ vì VKS vẫn giữ quan điểm truy tố Như tội lừa đảo và trách nhiệm bồi thường không phải của VietinBank.

Theo Hoàng Yến/Pháp luật TP.HCM 

>> Chủ tịch VietinBank: Phải xác định 90% nợ xấu là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...