Hải Phòng xin hỗ trợ gần 2.300 tỷ xây cầu nối tỉnh Quảng Ninh

UBND thành phố Hải Phòng đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án xây dựng cầu Bến Rừng gần 2.300 tỷ đồng.
Hải Phòng xin hỗ trợ gần 2.300 tỷ xây cầu nối tỉnh Quảng Ninh

Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng vừa có văn bản đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng và đường dẫn 2 đầu cầu nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Dự án có quy mô xây mới cầu Bến Rừng kết cấu vĩnh cửu với chiều dài cầu khoảng 1.855,8m; bề rộng cầu chính và cầu dẫn:21,5m; xây dựng đường hai đầu cầu với quy mô đường cấp III đồng bằng (phía Hải Phòng khoảng 1,37km, phía Quảng Ninh khoảng 1,58km), mặt cắt ngang đường rộng 21,5m; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, biển báo hiệu đường thủy, đường bộ theo quy chuẩn hiện hành... Diện tích sử dụng đất khoảng 14,59ha (trong đó Hải Phòng 5,17ha; Quảng Ninh 9,42ha). Tổng mức đầu tư của dự án hơn 2.280 tỷ đồng.

Theo đề xuất, Trung ương hỗ trợ ngân sách phần kinh phí xây dựng cầu. Còn đối với phần xây dựng đường dẫn, chi phí GPMB và các chi phí khác, Hải Phòng cam kết sẽ bố trí ngân sách thành phố để thực hiện.

Thành phố Hải Phòng đang nghiên cứu đầu tư các công trình giao thông đồng bộ kết nối nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cùng các địa phương ven biển Bắc Bộ. Trong đó có cầu Bến Rừng thay thế Phà Rừng hiện tại, kết nối với tỉnh Quảng Ninh.

Hiện, Phà Rừng kết nối trục đường tỉnh 359 huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh qua sông Bạch Đằng. Đây là tuyến phà lớn nhất miền Bắc với khoảng cách 2 bến khoảng 1,2km. Mỗi ngày bến phà này đón nhận hàng nghìn lượt khách và phương tiện với hơn 100 lượt chuyến. Phà Rừng hiện tại đã được đầu tư khai thác lâu năm, hạ tầng xuống cấp, chất lượng vận tải rất thấp, lạc hậu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Việc đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng để thay thế Phà Rừng hiện nay là hết sức cần thiết tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng. Đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhu cầu giao thông vận tải hàng hóa của doanh nghiệp. Kết nối giữa các Khu kinh tế, Khu công nghiệp ven biển như: Khu công nghiệp Bến Rừng, Khu công nghiệp VSIP (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng) với Khu công nghiệp Đông Mai, Khu công nghiệp Sông Khoai (thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Đồng thời, cây cầu còn kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện để đẩy mạnh giao thương hàng hóa với khu vực và thế giới. Qua đó, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và sức hấp dẫn đầu tư trong, ngoài nước, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...