Hai từ “gói gọn” tái cơ cấu ngân hàng 5 năm tới

“Quan điểm” và “kỹ thuật”, nếu xử lý trọn vẹn hai từ đó thì tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 5 năm tới sẽ thành công, còn nếu không thì căn bệnh nặng nề nhất của nền tài chính vẫn còn.
Hai từ “gói gọn” tái cơ cấu ngân hàng 5 năm tới

Khái quát này được TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra tại diễn đàn “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, sáng 12/10.

Tại đây, ông Phước nói, trước hết nên trả lời một câu hỏi huyết mạch, là nếu không tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì có được không?

“Không tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì không ai lăn đùng ra chết cả, chắc chắn là như thế, đó là một trong những quan điểm tương đối phổ biến. Nhưng nếu quan điểm phổ biến đó còn tồn tại  thì nó sẽ phản ánh qua cách nhìn và cách hành động của quá trình tái cơ cấu”, ông nói.

“Nhiều người nói không tái cơ cấu ngân hàng, để những người đua xe gây tai nạn (ý nói những người gây ra nợ xấu) tự chữa lấy đâu có sao đâu, nhưng với quan điểm đó thì nền kinh tế gánh chịu điều gì?”, ông Phước tiếp.

Đặt câu hỏi, tại sao lãi suất thực 8 - 9 %  khi mà lạm phát chỉ có chưa tới 1%, câu trả lời từ ông Phước là, đó là hệ qủa trực diện của nợ xấu, tất nhiên còn nhiều lý do khác nữa, nhưng nợ xấu là một trong những lý do trực diện. Vị Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng phân tích, tỷ lệ sinh lời  trên vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng 5 năm gần đây giảm đi 3 lần, từ 12% chỉ còn 4%, tỷ lệ sinh lời trên tài sản cũng giảm.

Những điều đó lan toả vào chi phí vốn, và làm cho nền kinh tế phải chấp nhận chi phí vốn cao, đó là thiệt hại. Ông Phước cũng cho rằng, nếu đã thống nhất quan điểm là phải xử lý nợ xấu, thì phải bắt tay vào câu chuyện thứ hai, đó là kỹ thuật. “Chúng ta không thể xử lý nợ xấu bằng khẩu hiệu suông, và không nên tiếp cận vấn đề là ngân sách có nên lấy của “người nghèo” chia cho “người giàu” không, điều đó rất nguy hiểm”, ông Phước bình luận.

Ông Phước cũng nói về điều được cho là “nửa vời” của VAMC: “Khi VAMC còn chưa ra đời, trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nói đó là “cục sâm” để tổ chức tín dụng ngậm thôi, bệnh viện phải xử lý tiếp”. “Xử lý nợ xấu muốn thành công, thì không thể mình Ngân hàng Nhà nước làm được đâu. Hôm qua họp ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi có đề xuất, tái cơ cấu ngân hàng cần một ban chỉ đạo cấp Nhà nước, giai đoạn này cần quyết tâm chính trị đó”, ông Phước nhấn mạnh.

Quan điểm tiếp theo của ông Phước, là với tái cơ cấu ngân hàng thì không thể dùng một liều thuốc chữa cho tất cả các “con bệnh”, mà phải có liều thuốc chữa cho từng nhóm bệnh. Nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu? Ông Phước nhấn mạnh rằng ngân hàng không thể hô biến nợ xấu được, mà phải có nguồn lực, nguồn lực này cơ bản là từ các tổ chức tín dụng, được kích hoạt bằng các nguồn lực bên ngoài, chứ không phải cấp phát theo con đường ngân sách.

"Tôi ước tính cần khoảng 25 tỷ USD”, ông Phước tính toán. Khẳng định nguồn lực này có, nhưng vấn đề là phải tính toán cụ thể tiền ở đâu, ông Phước nhấn mạnh đây là vấn đề kỹ thuật. Nhưng hoàn toàn có thể tính đến nguồn lực từ việc huy động vốn trong nhân dân thông qua việc phát hành loại trái phiếu “nợ xấu” đặc biệt.

Kết lại phần trình bày, ông Phước khái quát: “Cho dù nền kinh tế thật tốt thì mỗi năm vẫn có 60 - 70 ngàn tỷ nợ xấu phát sinh, nên nếu không tát cái ao này thật nhanh thì nước mưa vẫn tiếp tục rơi xuống. Vì thế, cần có quan điểm xử lý nhanh, nhưng phải tính toán kỹ thuật triệt để, chứ không lấy ngân sách ra để “cho không” các tổ chức tín dụng”, ông Phước nói.

Theo Nguyên Vũ/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...