Hạn chế chi phí lãi vay có thể khiến một giao dịch bị đánh thuế... 2 lần

Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Qua hơn 3 năm áp dụng, Nghị định 20 bị đánh giá có nhiều bất cập.
Hạn chế chi phí lãi vay có thể khiến một giao dịch bị đánh thuế... 2 lần

Doanh nghiệp bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng. Theo đó, hàng ngàn doanh nghiệp với chục ngàn tỷ đồng tiền thuế không thể quyết toán được vì phải chờ những động thái sửa đổi của Bộ Tài chính.

Cụ thể, quy định tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 có thể dẫn đến việc đánh thuế 2 lần trên cùng một giao dịch. Việc hạn chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% EBIDA của người nộp thuế tại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 có thể dẫn đến việc đánh thuế 2 lần đối với cùng một giao dịch trường hợp công ty mẹ phải đứng ra vay vốn ngân hàng sau đó chuyển vốn vay cho công ty con hoạt động, do cả công ty mẹ và công ty con đều bị loại chi phí lãi vay vượt 20% EBITDA.

Trên thực tế, mặc dù cùng là một công ty thành viên trong cùng tập đoàn nhưng không phải công ty thành viên nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án mới và do vậy một công ty thành viên phải vay công ty thành viên khác hoặc công ty mẹ phải huy động vốn, kể cả các nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc phi ngân hàng cho công ty thành viên, và như vậy nếu tổng chi phí lãi vay vượt quá 20% EBIDA thì cả công ty mẹ và công ty con đều phải nộp thuế khống 2 lần cho phần chi phí lãi vay vượt quá 20% EBIDA này.

​Ngoài ra, nếu công ty phát sinh phí bảo lãnh trên khoản vay với ngân hàng (là bên độc lập) cho bên liên kết thì lãi vay trả cho ngân hàng của bên liên kết cũng bị xem là thuộc phạm vi khống chế không vượt quá 20% EBITDA.

​Trong bối cảnh tình hình suy thoái kinh tế trên toàn cầu như hiện nay (chiến tranh thương mại, đại dịch COVID-19, thiên tai bão lũ…), Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập khẩn cấp nhiều cuộc họp, gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn… lắng nghe nhiều ý kiến góp ý trực tiếp, bao gồm cả ý kiến liên quan đến những bất cập của Nghị định 20 kể trên.

Vì vậy, mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sau khi lấy ý kiến các bên liên quan.

​Mặc dù Bộ Tài chính đã sửa đổi, nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và áp dụng chuyển chi phí lãi vay liên tục không qua 5 năm…nhưng vấn đề cốt lõi vẫn chưa được xử lý triệt để.

Qua trao đổi với chuyên gia Trịnh Huy Quách, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông cho rằng, trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, Chính phủ đã đưa nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Bộ Tài chính xác định chi phí lãi vay thuần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh công với chi phí lãi vay thuần và chi phí khấu hao.

Như vậy, ngưỡng khống chế đã được nâng từ 20% lên 30% và khái niệm chi phí lãi vay được sửa thành chi phí lãi vay thuần (tổng chi phí lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay), nhưng về dài hạn, cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả Doanh nghiệp.

​Mục tiêu của chính sách này là chống chuyển giá, các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải đối tượng chống chuyển giá, các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa các thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh.

Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để ban hành nghị định sửa đổi tổng thể, nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi do Đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Chuyên gia Trịnh Huy Quách đưa ra ví dụ:

Thuế suất thuế TNDN là 20%.

Công ty mẹ (A) cho Công ty con (B) vay 100 đồng, lãi 10% là 10 đồng.

Công ty mẹ:

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh Công ty mẹ là 200 đồng (chưa tính thu nhập lãi cho vay), lãi cho vay là 10 đồng

Lợi nhuận tính thuế là 200 + 10 = 210 đồng

Thuế TNDN Công ty mẹ là 20% x 210 = 42 đồng

Lợi nhuận sau thuế là 210 – 42 = 168 đồng

 Công ty con:

Chi phí vay là 10 đồng; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 30 đồng (chưa tính chi phí vay)

Chi phí vay được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo NĐ 20 tối đa là 20% x (30 + 10) = 8 đồng

Lợi nhuận tính thuế là 30 – 8 = 22 đồng

Thuế TNDN là 20% x 22 = 4,4 đồng

Lợi nhuận sau thuế là 30 – 10 – 4,4 = 15,6 đồng

Nếu không có NĐ 20 thì:

Lợi nhuận tính thuế là 30 – 10 = 20 đồng

Thuế TNDN là 20% x 20 = 4 đồng

Lợi nhuận sau thuế là 20 – 4 = 16 đồng

 Tính gộp lợi nhuận sau thuế của cả Công ty mẹ và Công ty con:

Có NĐ 20: 168 + 15,6 = 183,6 đồng

Không có NĐ 20: 168 + 16 = 184 đồng

Khoản chênh lệch 184 – 183,6 = 0,4 đồng chính là khoản thuế nộp thêm do NĐ 20. Phần này là thu nhập của lãi vay 2 đồng bị đánh thuế 2 lần:

Lần 1: đánh vào khoản thu nhập lãi vay của Công ty mẹ (2 đồng trong tổng 10 đồng);

Lần 2: do không được trừ 2 đồng chi phí lãi vay vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN, Công ty cọn bị đánh thuế 2 đồng (10 đồng – 8 đồng), chính là khoản đã bị đánh thuế lần 1 cho thu nhập của Công ty mẹ.

Như vậy, NĐ 20 làm phát sinh trường hợp đánh thuế 2 lần thuế TNDN đối với cùng 1 đối tượng chịu thuế.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...