Ngoài vấn đề giá xăng tăng, bên cạnh đó là những dự đoán chưa thể lạc quan về diễn biến của đại dịch COVID-19 với sự lây lan rất nhanh của biến chủng Omicron, cùng với đường bay nhiều nước vẫn chưa nối lại với Việt Nam gây khó khăn thêm cho ngành hàng không.
Bất lợi chi phí nguyên liệu tăng
Giá nhiên liệu thời gian qua tăng vọt đã ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không vì chi phí nhiên liệu luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí của doanh nghiệp vận tải hàng không.
Năm 2022, chi phí hoạt động của một hãng hàng không tại Việt Nam được tính toán dự trên mức dự báo giá dầu khoảng 80 USD/thùng, đã có dự phòng trượt giá so với mức giá bình quân năm 2021 là khoảng 73 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu giao ngay tại thời điểm ngày 10.3 đã tăng vọt lên 161 USD/thùng. Lo ngại của bất cứ hãng hàng không nào vào thời điểm này là cú sốc giá nhiên liệu sẽ làm “bay màu” lợi nhuận, vì chi phí xăng dầu thông thường chiếm khoảng 30%-40% chi phí sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp vận tải hàng không.
Đại diện Vietnam Airlines (VNA), việc giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng mạnh khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỉ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỉ đồng.
Theo tính toán của VNA, với sản lượng điều hành hiện tại, cứ 1 USD tăng giá nhiên liệu bay từ nay đến cuối năm sẽ khiến hãng tăng chi phí nhiên liệu lên 106 tỷ đồng.
Còn với mức giá Future ngày 10.3 và kịch bản sản lượng hiện tại, tổng chi phí nhiên liệu cả năm của công ty sẽ tăng lên 4.800 tỷ - 6.200 tỉ đồng so với kịch bản điều hành đã xây dựng trước đó, đã tính cả yếu tố giá và sản lượng. Nếu qui về mặt bằng sản lượng điều hành hiện tại, chi phí sẽ tăng khoảng 2.400 tỉ - 3.750 tỉ đồng. Đối phó với diễn biến bất ngờ này, thị trường thế giới đang tìm cách khắc phục các gián đoạn nguồn cung để bình ổn mức giá, tuy nhiên các nhà phân tích dự báo mặt bằng giá dầu bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
ÔngNguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc tiếp thị truyền thông Vietravel Airlines, đến thời điểm 15/3/2022, giá nhiên liệu Jet-A1 đã tăng lên 168,5 USD/thùng, tức gần gấp đôi giá nhiên liệu theo kế hoạch. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục duy trì hoặc tăng lên thì doanh thu của hãng cũng như các hãng hàng không khác sẽ không bù đắp được chi phí nhiên liệu bay, chưa nói đến các định phí khác. Điều này sẽ một lần nữa làm nặng thêm đôi cánh bay của các hãng hàng không Việt Nam và Quốc tế trong giai đoạn ngành du lịch và hàng không chỉ vừa chuẩn bị các bước tiến phục hồi chậm chạp đầu năm 2022.
Đại diện Bamboo Airways cho biết việc giá xăng dầu tăng mạnh thời gian gần đây là điều bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải nói chung khi đang trên đà phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu cũng giống như dịch bệnh, đều là các yếu tố khách quan bất khả kháng và đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến, thích nghi.
Bamboo Airways đã nghiên cứu, triển khai các phương án khai thác linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế để vừa có thể tiết kiệm chi phí, mặt khác giảm tác động ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến việc giá xăng dầu tăng có thể kéo theo giá vé tăng, đại diện Bamboo Airways cho rằng giá vé phụ thuộc vào cung cầu thị trường và nhiều yếu tố khách quan. Để đảm bảo tối ưu quyền lợi cho khách hàng Bamboo Airways đã xây dựng bộ quyền lợi nhóm giá vé với 8 nhóm giá đa dạng. Tùy theo nhu cầu của bản thân, mỗi hành khách có thể lựa chọn hạng vé với các quyền lợi đi kèm phù hợp, đồng thời loại bỏ các dịch vụ không cần thiết, để tối ưu trải nghiệm và chi phí.
Sẵn sàng tăng tốc
Tín hiệu phục hồi của ngành hàng không khá rõ nét trong hai tháng đầu năm, nhờ thị trường nội địa bật tăng vào dịp Tết nguyên đán, dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt và những thông tin tích cực từ chính sách mở cửa thị trường quốc tế.
Với mục tiêu không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, sau ngày 15/3 mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, các hãng bay Việt đã lên kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của VNA cho biết, thị trường nội địa phục hồi khá nhanh với sự gia tăng cả về tần suất khai thác và đường bay. Trong 9 tuần đầu năm 2022, tổng số khách trên nhóm đường bay du lịch tăng 8,6% so với năm cùng kỳ năm 2019, tốc độ phục hồi cao hơn 23 điểm so với các nhóm đường bay còn lại. Hãng đã mở lại 54-55 đường bay, tăng 20% so với thời điểm trước dịch COVID-19; dự kiến sản lượng khai thác cả năm sẽ tăng khoảng 10% so với số lượng chuyến bay thực hiện trong năm 2019.
Đối với thị trường quốc tế, hãng sẽ khôi phục lại hầu hết các đường bay đã khai thác trước đây, trừ các đường bay đến Trung Quốc vẫn đang đóng cửa nhưng tốc độ phục hồi sẽ chậm hơn thị trường nội địa với số lượng chuyến bay đạt khoảng 60 - 65% so với trước đại dịch. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi của mạng bay quốc tế là đến nay, chính sách mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa được thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là các quy định đối với chính sách nhập cảnh.
Ngay cả khi đã vào giai đoạn phục hồi, chi phí hoạt động của các hãng hàng không cũng cao hơn so với thường lệ do phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn trong khi doanh thu lại thấp hơn.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam, giá xăng chiếm tới 40% tổng chi phí của các hãng hàng không. Nói thế để thấy giá xăng tăng sẽ gây bất lợi, tăng chi phí của các hãng hàng không lớn đến mức nào. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần 3 năm qua hàng không chưa kịp phục hồi giờ lại phát sinh chi phí xăng dầu tăng, rõ ràng là thách thức với các hãng hàng không Việt Nam.