Nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng về “0” trước năm 2050, SAF là động lực chính của ngành hàng không. Nhận thức rõ được điều đó, ngành hàng không Việt Nam đã có hãng bay đầu tiên sử dụng thành công loại nhiên liệu này, mở ra một tương lai "bay xanh" cho ngành hàng không nội địa.
HÀNG KHÔNG VIỆT NAM BẮT ĐẦU SỬ DỤNG SAF
Mới đây, Vietnam Airlines đã thực hiện thành công chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) với số hiệu VN660, hành trình từ Singapore đến Hà Nội. Đánh dấu hãng hàng không Việt Nam đầu tiên sử dụng nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay chở khách thương mại.
Đây là một bước tiến quan trọng của ngành hàng không Việt Nam nói chung và hãng hàng không quốc gia nói riêng trong hành trình trở thành "Hàng không xanh", góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" (Net zero) vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, hãng đang tiếp tục hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để mở rộng việc sử dụng SAF trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về giảm mức phát thải ròng bằng không và ngăn ngừa biến đổi khí hậu.
Vietnam Airlines cho biết, mặc dù giá nhiên liệu hàng không bền vững hiện nay cao hơn từ 2 - 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5 - 6 lần, Vietnam Airlines vẫn quyết tâm đưa loại nhiên liệu này vào sử dụng.
Được biết, SAF của chuyến bay VN660 được cung cấp bởi Neste, nhà sản xuất hàng đầu thế giới về nhiên liệu hàng không bền vững và diesel tái tạo.
"Ngành hàng không đang cam kết đạt các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và nhiên liệu hàng không bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu đó", Bà Carrie Song, Phó Chủ tịch Cấp cao Thương mại của ngành Sản phẩm Tái tạo tại Neste đánh giá.
Bên cạnh việc sử dụng SAF, Vietnam Airlines cũng đang thực hiện mạnh mẽ nhiều biện pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 như khai thác, sử dụng đội tàu bay thế hệ mới để giảm phát thải CO2 thông qua tiết kiệm nhiên liệu; tối ưu đường bay, lịch bay và tối ưu trọng lượng chất xếp để giảm tiêu hao nhiên liệu; đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin theo dõi tiêu hao nhiên liệu, phát thải CO2, có sự xác minh của đối tác thứ 3 để gửi cơ quan nhà nước…
Nhìn vào quốc tế, có thể thấy ngành hàng không thế giới đã và dần chuyển sang sử dụng loại nguyên liệu này. Đơn cử, cuối năm ngoái, hãng hàng không Virgin Atlantic (Anh) đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% SAF.
Nghị viện châu Âu (EP) cũng thông qua sáng kiến ReFuelEU nhằm tăng cường sử dụng SAF, tiếp nối nỗ lực chung của các nước và khu vực nhằm xanh hóa ngành hàng không thế giới. Canada thông báo hỗ trợ 265 triệu USD cho ngành hàng không hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon.
Tại Malaysia, SAF đã bắt đầu pha trộn 1% từ năm 2023, mục tiêu sử dụng SAF đạt 47% vào năm 2050. Nhật Bản yêu cầu 10% SAF cho các chuyến bay quốc tế sử dụng sân bay Nhật Bản vào năm 2030.
Hãng Qantas và Airbus SE.Air.PA của Australia cũng có kế hoạch đầu tư 2 triệu USD vào một nhà máy nhiên liệu sinh học đang được thành lập tại bang Queenland để chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp thành SAF.
Mới nhất, Singapore Airlines thông báo sẽ mua 1.000 tấn SAF của Neste. Hồi tháng 2/2024, Singapore yêu cầu tất cả các chuyến bay khởi hành từ nước này phải sử dụng SAF từ năm 2026 nhằm thúc đẩy nỗ lực chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh của ngành hàng không toàn cầu.
THÁCH THỨC DO GIÁ THÀNH CAO
Được biết, SAF là loại nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững như dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật thải. Loại nhiên liệu này đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế nghiêm ngặt và có thể sử dụng an toàn trên các chuyến bay thương mại.
Theo đó, SAF có thể giúp giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính trong suốt vòng đời của nhiên liệu. Đồng thời, giảm thiểu các khí thải độc hại khác như NOx, SO2 và bụi mịn, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
SAF cũng có thể được lưu trữ và vận chuyển như nhiên liệu hóa thạch truyền thống, có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết lạnh và giúp cải thiện hiệu suất bay. Những điều này giúp SAF trở thành nguồn nhiên liệu thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch, góp phần cắt giảm khí thải carbon cho ngành hàng không.
Tại hội thảo “Nhiên liệu hàng không bền vững và Giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không”, ông Lương Thế Tùng, Tổng giám đốc Công ty Tapetco thông tin, theo các số liệu nghiên cứu, ngành hàng không chiếm khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu và được đánh giá là một trong những lĩnh vực khó giảm phát thải nhất.
Bên cạnh những lợi ích về giảm lượng khí thải, SAF là loại nhiên liệu có nguồn cung hạn chế nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu, kéo theo giá thành tăng cao.
Đồng tình với ý kiến này, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, chi phí sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững khá cao. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ.
Theo ước tính, nếu một chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu SAF thì giá vé máy bay tăng gần 50% so với giá vé máy bay sử dụng nhiên liệu truyền thống. Đây là mức tăng đáng kể và sẽ là trở ngại lớn nếu không có giải pháp kéo giảm giá thành.
Ông Kelvin Lee, Phó giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) cho biết, nguồn cung của SAF hiện nay đang rất hạn chế, bất kỳ số lượng SAF nào được sản xuất ra cũng đều được đặt mua và tiêu thụ hết.
Về giá thành giữa nhiên liệu truyền thống so với SAF sẽ dao động tùy thuộc vào công nghệ pha trộn hoặc độ hiếm, độ giới hạn của nguồn nguyên liệu. Nếu có thể gia tăng được nguyên liệu, ông Kelvin hy vọng giá thành của SAF sẽ giảm.
Đối với giá vé máy bay khi sử dụng SAF, Phó giám đốc IATA nhận định, Chính phủ mỗi quốc gia và các hãng hàng không cần nỗ lực nâng cao nhận thức cho hành khách, để khách hàng hiểu rằng trách nhiệm kéo giảm khí thải ra môi trường không chỉ của các nhà sản xuất hay hãng hàng không, mà của chính những người sử dụng dịch vụ này. Đây là phương pháp mà Singapore đã thực hiện trước khi bắt buộc tỷ lệ nhiên liệu SAF đối với máy bay.
"Các hãng hàng không cần tăng dần dần tỷ lệ chuyển đổi SAF, từ đó tăng dần dần giá vé thì hành khách có thể dễ chấp nhận. Đồng thời, các bên lập chính sách cần phải có khuyến khích về cơ chế giá vé", ông Kelvin Lee gợi ý.
Đặc biệt, phải tăng sản lượng cung cấp SAF, tăng khả năng cạnh tranh giá của SAF so với nhiên liệu hàng không truyền thống. Mỗi quốc gia cần hỗ trợ hoạt động của các cơ sở SAF, các hãng cần nhận diện lợi ích môi trường mà SAF mang lại.
Ngoài ra, cần có một số chính sách để tạo nhu cầu SAF một cách có hệ thống, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất mới và chuỗi cung ứng đi kèm.
Trong đó, các quốc gia cần thực hiện các biện pháp khuyến khích được ưu tiên trước gồm tạo lập một thị trường hoạt động thông qua các chính sách khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị mới tham gia và đa dạng hóa hoạt động sản xuất SAF, ủng hộ sáng tạo đổi mới, giảm giá thành, hỗ trợ cơ sở sản xuất dùng công nghệ mới.