Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị phạt thuế, vì đâu nên nỗi?

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị cơ quan thuế xử phạt do vi phạm về thuế, với số tiền truy thu từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều công ty kinh doanh sa sút, lỗ lũy kế lớn, thậm chí bị cưỡng chế thuế do nợ kéo dài...

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị phạt thuế, vì đâu nên nỗi?

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết liên tục bị cơ quan thuế xử phạt do vi phạm các quy định về thuế. Mức truy thu dao động từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính minh bạch trong hoạt động tài chính của các công ty này.

Ngày 25/2, theo kết luận thanh tra từ Cục Thuế thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Licogi 13 (mã chứng khoán: LIG) bị truy thu, phạt hành chính và phạt chậm nộp tổng cộng hơn 4,8 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ việc kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, chưa phân bổ thuế giá trị gia tăng theo quy định. Công ty còn vi phạm về thuế thu nhập doanh nghiệp khi hạch toán chi phí không hợp lệ và thuế thu nhập doanh nghiệp do thiếu phần thuế từ đầu tư vốn.

Điều đáng nói, LIG nhận án phạt trong bối cảnh lợi nhuận ròng 2024 chỉ đạt 641 triệu đồng, mức thấp kỷ lục, giảm 90% so với năm trước. Dù doanh thu đạt 3.766 tỷ đồng, tăng 13%, nhưng giá vốn chiếm tới 96% khiến lợi nhuận teo tóp.

Chỉ một ngày sau, Cục Thuế TP.HCM tiếp tục ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Chứng khoán SBS (mã chứng khoán: SBS) với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. SBS bị phát hiện kê khai sai thuế giá trị gia tăng đầu vào, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2021-2023 và sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Công ty còn bị phạt 1,5 lần số thuế trốn theo Nghị định 125/2020, với tình tiết tăng nặng do vi phạm kéo dài trên hai năm.

Kinh doanh bết bát, SBS báo lỗ trước thuế hơn 74 tỷ đồng năm 2024, mức lỗ cao nhất từ 2011. Tính đến cuối năm, lỗ lũy kế của SBS chạm 1.443 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 273 tỷ đồng.

Ngày 27/2, Công ty Cổ phần Trung Đô (mã chứng khoán: TDF) cũng bị Cục Thuế Nghệ An xử phạt hơn 1 tỷ đồng do kê khai sai căn cứ tính thuế, dẫn đến nộp thiếu thuế. Doanh thu TDF giảm liên tục từ mức đỉnh 793 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 480 tỷ đồng năm 2024, giảm 8% so với cùng kỳ. Lãi ròng chỉ còn 15 tỷ đồng, giảm 57%, rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Cùng ngày, Công ty Cổ phần Vật tư - TKV (mã chứng khoán: MTS) nhận quyết định xử phạt từ Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, phải nộp bổ sung hơn 701 triệu đồng do sai phạm trong khai báo thuế thu nhập doanh nghiệp. Tình hình kinh doanh của MTS cũng không khả quan hơn khi doanh thu năm 2024 chỉ đạt 4.081 tỷ đồng, giảm 6%, còn lợi nhuận ròng xuống mức thấp nhất 5 năm qua với 15 tỷ đồng.

Ngày 28/2, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (mã chứng khoán: FTS) trở thành cái tên tiếp theo bị Cục Thuế thành phố Hà Nội "sờ gáy", phải nộp gần 100 triệu đồng do kê khai sai thuế. Dù vậy, FTS vẫn duy trì kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 663 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty vẫn đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2025, với lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2024.

anh-chup-man-hinh-2025-03-01-luc-144952.png
Nhà Thủ Đức công bố thông tin bị cưỡng chế thi hành về quản lý thuế

Trong khi, nhiều doanh nghiệp bị phạt thuế ở mức vài tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán: TDH) lại đối diện án cưỡng chế thuế từ Cục Thuế TP.HCM với số tiền lên đến gần 91 tỷ đồng vào ngày 26/2. Đây là lần thứ ba liên tiếp TDH bị cưỡng chế thuế chỉ trong vòng 4 tháng, do nợ thuế kéo dài. Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2024, số dư tiền gửi ngân hàng của TDH chỉ còn 51 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với khoản thuế bị cưỡng chế.

Năm 2024, TDH ghi nhận doanh thu thuần vỏn vẹn 49 tỷ đồng, giảm 60%. Dù biên lãi gộp cải thiện lên 42,6%, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 340 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước, khiến công ty lỗ ròng 288 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần mức lỗ của năm 2023. Hệ quả, TDH phải gánh lỗ lũy kế hơn 1.039 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu sụt mạnh chỉ còn 87 tỷ đồng.

Việc hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị xử phạt thuế đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng kiểm soát tài chính nội bộ cũng như tính minh bạch trong hoạt động kế toán. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, liệu những sai phạm này chỉ là lỗi vô ý hay phản ánh vấn đề sâu xa hơn trong quản trị tài chính doanh nghiệp?

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Dự báo lợi nhuận quý 1/2025: Ngành dầu khí 'tụt dốc'

Dự báo lợi nhuận quý 1/2025: Ngành dầu khí 'tụt dốc'

Lợi nhuận ngành dầu khí quý 1/2025 dự báo giảm mạnh 27% do giá dầu lao dốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, PVS và PVT được đánh giá là hai điểm sáng nhờ triển vọng tăng trưởng từ các dự án quan trọng...

Tổng hợp lịch đại hội cổ đông 2025 của các công ty chứng khoán

Tổng hợp lịch đại hội cổ đông 2025 của các công ty chứng khoán

Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của các công ty chứng khoán đang đến gần, với nhiều kế hoạch kinh doanh tham vọng được công bố. Những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận phản ánh kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ sau một năm đầy biến động...

Việt Nam lên hạng chứng khoán: Lợi cả trăm bề

Việt Nam lên hạng chứng khoán: Lợi cả trăm bề

Khi thời điểm công bố báo cáo giữa kỳ của FTSE Russell về kết quả xếp hạng thị trường đang đến gần, thị trường đang xôn xao trở lại về khả năng Việt Nam được nâng hạng từ thị trường "cận biên" lên thị trường "mới nổi" trong năm 2025...

Thị trường phân hóa, áp lực điều chỉnh gia tăng

Thị trường phân hóa, áp lực điều chỉnh gia tăng

VN-Index điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh, kết phiên ngày 26/3 giảm 5,83 điểm xuống 1.326 điểm, VN30 giảm 7,32 điểm còn 1.381 điểm. Thị trường phân hóa rõ nét, thanh khoản giảm, khối ngoại tiếp tục bán ròng 515 tỷ đồng, trong khi các chuyên gia khuyến nghị thận trọng và ưu tiên quản trị rủi ro...