Hàng loạt “ông lớn” lọt tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2020 được Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 146 cuộc kiểm toán, giảm 44 cuộc so với kế hoạch đưa ra đầu năm 2019.
Hàng loạt “ông lớn” lọt tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước

Ở lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan quản lí, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019, kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, KTNN dự kiến sẽ thực hiện 16 cuộc kiểm toán. Danh sách các đơn vị kiểm toán gồm Ngân hàng Nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng là Agribank, Vietcombank và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nội dung trọng tâm là kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018.

Thông qua kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo quyết định của Quốc hội và Thủ tướng.

Đối với lĩnh vực ngân sách Nhà nước (NSNN), ngoài việc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN dự kiến sẽ kiểm toán 12 bộ, cơ quan trung ương cùng 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm: Hà Nội, Tp. HCM, Quảng Ninh,...).

Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết danh sách các dự án này gồm dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm (quận 2, TP HCM), dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai II, III TP Hà Nội, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Ngoài ra, danh sách còn có các dự án thủy lợi như Hồ chứa nước Đồng Mít, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hồ chứa nước Sông Lũy, dự án vệ sinh môi trường TP HCM; đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn…

Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự kiến tổ chức 9 cuộc kiểm toán tại 5 đơn vị dự toán; 3 doanh nghiệp là: Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đông Bắc; và dự án đầu tư xây dựng trụ sở Trung tâm phát thanh - truyền hình Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị.

Ngoài ra, KTNN cũng sẽ tổ chức 5 cuộc kiểm toán tại Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh; 27 công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 21 tỉnh ủy, thành ủy; khối các học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an và khối các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Công an.

Bên cạnh đó, KTNN cũng dự kiến thực hiện 9 cuộc tập trung vào các các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu và hoạt động tín dụng cho người nghèo, nhà ở xã hội...

Với lĩnh vực chuyên đề, cơ quan này lựa chọn 19 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm: 2 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình - dự án thuộc lĩnh vực an sinh - xã hội, phát triển kinh tế vùng, việc quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về công tác quản lý thu ngân sách và  quản lý đầu tư xây dựng cơ bản...

Tính đến ngày 30/9/2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 61.732 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu 6.197 tỷ đồng và giảm chi 12.842 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 42.693 tỷ đồng.

Nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán cũng đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...