Theo đó, 19 doanh nghiệp này bao gồm: PVN, EVN, TKV, VNPT, Mobifone, Vietnam Airlines, ACV, VNR, VEC, Vinalines, Petrolimex, Vinachem, Vinataba, VRG, Vinacafe, Vinafor, Vinafood 1, Vinafood 2 và SCIC.
Theo đó, sẽ thực hiện giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn; giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: giám sát hoạt động đầu tư vốn với các dự án đầu tư; giám sát hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; giám sát tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, phát hành trái phiếu; giám sát tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ thống nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; giám sát tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ tiến hành giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gồm: giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch; giám sát kết quả hoạt động kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, ROE, ROA); giám sát việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; giám sát việc phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.
Các hoạt động giám sát còn lại bao gồm: giám sát chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc ban hành và thực hiện các quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp; giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết; giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.
Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Đặc biệt, phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Công khai minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước vừa trình Quốc hội cho biết, nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, hàng ngàn hecta đất cũng đang bị nhiều 'ông lớn' sử dụng lãng phí.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng CTCP Xây lắp dầu khí là 3.377 tỷ đồng; CTCP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỷ đồng.
Từ thua lỗ, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã âm vốn chủ sở hữu như CTCP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm vốn 1.780 tỷ đồng, CTCP Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí VN 172 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư, góp vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng thua lỗ có thể kể đến như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 7 khoản đầu tư ngoài ngành lỗ lũy kế lớn. Công ty mẹ - PVOil đầu tư vào 11 đơn vị bị lỗ.
Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cũng đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Quản lý, kinh doanh nhà TP.HCM đầu tư vào 1 đơn vị, lỗ lũy kế tới 286 tỷ đồng.
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế 315 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một loạt những sai sót, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quản lý và sử dụng đất công sử dụng không hiệu quả gây lãng phí như Tổng công ty Khánh Việt có 286ha đất chưa sử dụng, Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 18,92ha, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) 7,01ha...
Mặt khác, hàng nghìn hecta đất công được sử dụng không hiệu quả. Cụ thể, công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) có 2 khu đất đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện. HFIC có tới 37 địa chỉ nhà, đất kinh doanh trống, chưa cho thuê.
Bên cạnh đó, đất công cũng bị nhiều doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) 140,08ha, Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 3,57ha, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn 0,01ha...