Hành trình trở thành tập đoàn đa ngành của Taseco Group

Xuất phát điểm là một đơn vị kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay Nội Bài, Taseco Group dần vươn mình sang các lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính.

Tầm nhìn dài hạn, chiến lược hợp lý và sự quyết đoán trong những thời điểm quan trọng là yếu tố căn bản làm nên sự thành công của Taseco Group trong 20 năm qua.

"CẤT CÁNH" TỪ DỊCH VỤ PHI HÀNG KHÔNG

Ít ai biết, trước khi thành lập Taseco Group, ông Phạm Ngọc Thanh – chủ tịch HĐQT tập đoàn đã từng cùng 4 người bạn đồng niên khởi nghiệp với Công ty nội thất HAD và sau đó là Công ty Cổ phần Truyền thông ABC. Việc lựa chọn bước chân vào con đường kinh doanh lúc này với vị Chủ tịch HĐQT Taseco Group đó là mong muốn tích lũy được vốn cho tương lai, vừa tạo sức bật tốt hơn cho cuộc sống khi ở lại Thủ đô lập nghiệp. Dù hai công ty này mang đến một số thành tựu, song chỉ đến khi bước vào lĩnh vực dịch vụ phi hàng không, con đường kinh doanh của ông Phạm Ngọc Thanh mới thực sự “cất cánh”.

taseco-2.jpg
Ông Phạm Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Taseco Group

Được lập ra vào năm 2005, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco) đã bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Lĩnh vực bán lẻ hàng không thoạt trông không có gì hấp dẫn, nhưng trên thực tế lại mang đến lợi nhuận tốt cho Tập đoàn. Thời điểm đó, chất lượng dịch vụ sân bay còn nhiều hạn chế, trong khi đó để tạo sự khác biệt trên thị trường,Taseco Group cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao, phục vụ chuyên nghiệp. Hơn nữa, các chi phí hoạt động của công ty lúc bấy giờ chủ yếu là chi phí bán hàng và chi phí thuê mặt bằng, lại có tính ổn định cao và dễ kiểm soát. Hàng hóa bán ra được thanh toán bằng tiền mặt nên hạn chế được các khoản phải thu và tồn kho.

Nhờ tầm nhìn xa và sự nhạy cảm của một cựu sinh viên tài chính, khi lựa chọn lĩnh vực kinh doanh phi hàng không, Taseco Group đã nhanh chóng gặt hái thành tựu, tích lũy nội lực, dần hiện thực hóa giấc mơ “bay” đến vùng đất mới và xây dựng thành một hệ thống vững vàng.

Cho đến hiện tại, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST) – đơn vị phụ trách lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phi hàng không của Taseco Group – đã sở hữu tới 124 điểm bán hàng tại các sân bay lớn như: Nội Bài, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc… với các mảng bán lẻ, cửa hàng đồ ăn nhanh, cửa hàng miễn thuế, dịch vụ suất ăn hàng không. Ngoại trừ giai đoạn dịch Covid-19 khiến ngành hàng không “đóng băng”, doanh thu của AST liên tục tăng trưởng kể từ khi niêm yết. Đến năm 2023, doanh thu thuần của Công ty đã lên tới 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng, thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. Năm 2024, Taseco Air ước đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 250 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2018 với tỷ lệ cổ đông nước ngoài là 43,4%.

LỚN MẠNH VỚI BẤT ĐỘNG SẢN

Thành công trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phi hàng không đã tạo điều kiện để Taseco Group vươn mình sang các lĩnh vực tiềm năng khác. Năm 2009, Taseco Group đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản An Bình (tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco – UPCoM: TAL). Cột mốc này đánh dấu việc tham gia vào “cuộc chơi” địa ốc của Taseco Group, đồng thời thể hiện tầm nhìn xa rộng của lãnh đạo Tập đoàn. Nhìn lại thời điểm 2009, thị trường bất động sản Việt Nam lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, những thách thức của thị trường lại là cơ hội cho các đơn vị có tiềm lực vững vàng. Trong bối cảnh đó, Taseco Group đã quyết đoán, nhanh chóng chớp thời cơ để thực hiện M&A dự án NO2-T1 (An Bình Complex) tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và sau đó là các dự án NO1-T4 (Phú Mỹ Complex), NO3-T2 (Taseco Complex), NO3-T6 (Trung Đô Complex), mới đây nhất là NO1-T6 (Han Jardin).

Song song với thị trường Hà Nội, Taseco cũng gây tiếng vang lớn ở các địa phương khác khi hoàn thành khu đô thị Green Park 14,05 ha (Quảng Ninh) và khu nhà ở Riverview Lương Sơn (Hòa Bình). Ngoài ra, tập đoàn còn phát triển thành công thương hiệu khách sạn – nghỉ dưỡng À La Carte với 2 dự án nổi bật tại TP. Đà Nẵng và TP. Hạ Long.

taseco1.jpg
Dự án khách sạn – nghỉ dưỡng À La Carte tại TP. Hạ Long

Những năm gần đây, Taseco tiếp tục bổ sung hàng loạt dự án lớn, tiêu biểu như: Landmark 55, tổ hợp văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ thuộc KĐT Tây Hồ Tây, nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu (Hà Nội); KĐT mới thuộc dự án số 4 KĐT trung tâm TP. Thanh Hóa, khu nhà ở phường Nguyên Bình TP. Nghi Sơn (Thanh Hóa); KĐT mới phía nam trung tâm hành chính TX Duy Tiên (Hà Nam); tổ hợp thương mại, dịch vụ, hỗn hợp Nam Thái và KĐT Nam Sông Cầu (Thái Nguyên)…

Đó là chưa kể, tập đoàn vẫn đang đẩy mạnh việc phát triển quỹ đất tiềm năng tại các tỉnh thành như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… Ước tính, tập đoàn đã có hơn 20 dự án hiện hữu và đang nghiên cứu với tổng diện tích quỹ đất khoảng 2.000 ha.

Với danh mục dự án đồ sộ như trên, Taseco được đánh giá là một trong những nhà phát triển bất động sản năng động nhất hiện nay. Thực tế cho thấy, tập đoàn cũng đạt được hiệu quả kinh doanh rất tốt, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường.

Theo đó, từ năm 2021 đến 2023, doanh thu thuần của Taseco Land – đơn vị thành viên của Tập đoàn Taseco - tăng trưởng rất mạnh mẽ, từ 744 tỷ đồng lên 2.829 tỷ đồng (tăng 3,8 lần) rồi 3.237 tỷ đồng (tăng 14%). Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương ứng, từ 131 tỷ đồng lên 369 tỷ đồng (tăng 2,8 lần) rồi 473 tỷ đồng (tăng 28%). Tính chung 3 năm, doanh thu đã tăng 4,3 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 3,6 lần.

9 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh của Taseco Land tiếp tục thăng hoa với doanh thu thuần đạt 1.242 tỷ đồng, tăng 80%; lợi nhuận sau thuế đạt 204 tỷ đồng, tăng 7,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý III/2024, doanh thu thuần đạt 304 tỷ đồng, tăng 63%; lợi nhuận sau thuế đạt 187 tỷ đồng, tăng 20,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sau những thành công nhất định ở phân khúc bất động sản đô thị và nghỉ dưỡng, Taseco Land đang bước chân vào địa hạt bất động sản công nghiệp với việc trở thành chủ đầu tư dự án khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III tại tỉnh Hà Nam. Dự án có quy mô 223 ha, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích nâng tầm cho hoạt động kinh doanh cũng như thương hiệu của Taseco Land. Đáng chú ý, theo kế hoạch tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, trong vòng 5 năm tới, Taseco Land sẽ phát triển thêm 5 Khu công nghiệp với tổng quy mô dự án hơn 1000 ha.

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và bắt đầu tiến vào chu kỳ tăng trưởng mới. Với nguồn lực dồi dào, quỹ dự án “khủng” cùng chiến lược kinh doanh bài bản, Taseco được nhìn nhận sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới với hiệu suất kinh doanh vượt trội.

Xem thêm

Taseco Airs vẫn đối mặt khả năng bị hủy niêm yết

Taseco Airs vẫn đối mặt khả năng bị hủy niêm yết

CTCP dịch vụ hàng không Taseco (Taseco Airs, MCK: AST) vừa bị Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) lưu ý khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu do Công ty đã có 2 năm liên tiếp 2020-2021 thua lỗ. Đồng thời, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng là số âm.

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...