Hành trình xin cơ chế đặc thù qua lời kể của nguyên Phó chủ tịch TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. HCM đã có chia sẻ liên quan đến Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua.
Hành trình xin cơ chế đặc thù qua lời kể của nguyên Phó chủ tịch TP.HCM

Ông có thể chia sẻ về những lần mà TP.HCM đưa ra một số đề nghị bị TƯ chối? Ví dụ như về Chính quyền đô thị?

Đến 1999-2000, TP mới nghĩ ra việc xin nghị định 93 là cho phép TP.HCM duyệt đất, duyệt một số dự án. Điều này được Thủ tướng, Chính phủ đồng ý nhưng cuối cùng vẫn lồng một cái là muốn làm cái gì phải ý kiến bộ, ngành thì lại như không.

Tức là rất nhiều lần đã xin cơ chế này rồi nhưng lại không được. Nhiều lần TP.HCM đề xuất phát triển kinh tế tư nhân nhưng lại không có vốn. Nên TP mới đề xuất làm ngân hàng thương mại, cổ phần... Để huy động nguồn lực nước ngoài thì lại phải cần khu chế xuất, khu công nghiệp, mô hình kinh tế BOT, BT.

Tiếp đến,TP.HCM tiến thêm bước thứ 3, xin xây dựng chính quyền đô thị, sắp xếp bộ máy. Nếu cho phép TP.HCM thành chính quyền đô thị sẽ giảm bộ máy hành chính, nhân lực xuống, tối thiểu sẽ là 1/3.

Nói đúng hơn là không cần một cấp chính quyền hoàn chỉnh, nghĩa là cấp UBND quận, huyện là quản lý hành chính còn tất cả quyền lực thì ở trên TP lớn quyết thì sẽ giảm đi rất nhiều.

Lúc đó, Bộ Chính trị cho phép nhưng khi giao cho các bộ ngành góp ý kiến lại cắt hết những cái mình đề xuất.

Từ việc TP.HCM không xin được chính quyền đô thị thì lại xin phép không tổ chức HĐND mà chỉ duy trì HĐND cấp huyện còn quận, phường thì không.

Suốt 7 năm thực hiện việc đó, TP.HCM vẫn duy trì tốt tăng trưởng kinh tế, nộp ngân sách vẫn tiếp tục cao, an ninh chính trị vẫn đảm bảo, các vụ khiếu kiện vẫn được giải quyết đầy đủ, cải cách tư pháp được đánh giá cao. Điều này cho thấy TP.HCM không mất dân chủ, vẫn làm tốt mọi việc.

Nhưng sau đó, lại cho tái lập HĐND các quận, huyện, mỗi năm phải chi 47 tỷ.

Như vậy, phải có cơ chế cho TP.HCM phát triển. TP.HCM phát triển vì cả nước chứ không phải riêng TP. Bởi vì, 1% tăng trưởng GDP bằng 0,3% cả nước. Trong khi đó, điều tiết ngân sách cào bằng thì làm sao có thể phát triển TP được.

Ông Nguyễn Thành Tài cho rằng, cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện TP.HCM phát triển vượt bậc

Đâu là những yếu tố để QH thông qua nghị quyết 54?

Trước hết, đây là kết quả tất yếu quá trình nỗ lực hơn 12 năm liên tục, là kết quả tâm huyết xuyên suốt của tập thể lãnh đạo, Đảng bộ nhiều thế hệ chứ không phải một cá nhân nào.

TP.HCM kiên trì, bền bỉ đòi hỏi là vì cả nước chứ không phải riêng mình, không phải mình đóng góp cao mà đòi hỏi.

Mặt khác, với qui mô dân số 13 triệu người thì không thể áp dụng được cách quản lý chung.

Qui mô kinh tế, trong 63 tỉnh thành, có 12 tỉnh thành có đóng góp mà riêng TP.HCM đóng góp 22% GDP. Đóng góp ngân sách quốc gia trước đây là hơn 30 %, bây giờ giờ giảm là do đóng góp của dầu khí, các tỉnh thành khác tăng lên nhưng vẫn giữ vị trí thứ nhất.

Trong nghị quyết có 5 lĩnh vực được điều chỉnh, theo ông, lĩnh vực nào là cấp bách nhất với TP?

Theo tôi, đó là vấn đề tài chính, đầu tư, cơ chế này sẽ giúp TP huy động vốn nhanh hơn, chủ động hơn để tập hợp được nguồn lực mình có trong tầm tay.

Ví dụ, trước đây 10ha đất nông nghiệp nếu muốn chuyển thành đất làm công nghiệp thì phải xin ý kiến TƯ nhưng bây giờ chỉ cần TP trình HĐND quyết. Một dự án nhóm A trước đây phải xin TƯ thì bây giờ TP cũng có thể quyết nhanh để huy động vốn nhanh hơn.

Như vậy, với việc có cơ chế đặc thù, TP sẽ chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực trong khuôn khổ quyền đã được phê duyệt.

Như vậy, với cơ chế này, công việc của HĐND là khá nặng?

Theo tôi, UBND muốn thông qua được thì phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Nếu UBND chuẩn bị không kỹ, HĐND sẽ phản biện lại.

Theo ông Tài, lãnh đạo TP phải nỗ lực hết mình

Tháng 12 này liệu có kịp không, thưa ông?

Một số vấn đề có thể sẽ không kịp. Tuy nhiên, có một số vấn đề tôi nghĩ nên bớt hô hào đi. Hãy chuẩn bị bàn cái nào được cái nào chưa được thì gắng cho xong. Khi nào xong thì UBND sau đó đưa ra HĐND để thông qua.

Tôi nghĩ đây là thành quả chung của Đảng bộ, việc QH thông qua với tỷ lệ rất cao cho thấy sự đột phá rất cao trong cách nhìn, đó là xóa bỏ cào bằng.

Thứ hai, mục tiêu của cơ chế thí điểm không phải vì bất kì cá nhân nào mà vì TP, cán bộ phải thấu hiểu được không phải dành cho tôi hay cho anh mà để việc làm tốt này cuối cùng cho dân và đất nước.

Lãnh đạo TP phải nỗ lực hết mình

Theo ông, TP phải chuẩn bị thế nào để thực hiện tốt nghị quyết và phát triển? Ông kỳ vọng sau 5 năm TP sẽ phát triển như thế nào?

12 năm mình xin, bây giờ được rồi thì trách nhiệm rất quan trọng, TP phải chọn được người có tâm và có lực để điều hành quyết liệt hơn. Phải tìm được sự cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và xã hội.

Dù chất lượng kinh tế cao hơn, GDP cao hơn nhưng ra đường người dân luôn sống trong lo sợ thì thất bại.

Lãnh đạo TP phải nỗ lực hết mình, đầu tư đúng chỗ, làm cụ thể hơn chứ không phải làm chung chung. Không chỉ giải quyết vấn đề môi trường, kẹt xe, ngập nước mà phải có sự cân đối.

Nội dung tinh thần của cơ chế "cởi trói " cho TP phải như một đòn bẩy cho sự phát triển tốt hơn, mạnh hơn, đáp ứng kỳ vọng của TƯ và của  đồng bào TP.

TP có thêm nguồn lực vươn lên không chỉ cho riêng mình mà còn góp phần cho cả nước mau thoát ra khỏi những khó khăn, trở lực, phát triển vững chắc trong điều kiện hội nhập với thế giới, đầy những cạnh tranh thử thách.

Có cơ chế đặc thù rồi, tôi tin chắc rằng, TP sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai không xa.

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...