Hậu cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thể tự chủ

Trong năm 2016, đã có một số điển hình doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhưng quyết sách của họ vẫn chưa thực sự được chủ động, trong đó có bao gồm lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông nhỏ lẻ.
Hậu cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thể tự chủ

Minh bạch lợi ích

Ngày 29/3, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức hội thảo về các thông lệ quốc tế tốt trong quản trị công ty dành cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Một điều trùng hợp là, hội thảo này diễn ra ngay trước thềm mùa cao điểm đại hội đồng cổ đông 2017.

Tại đây, ông Chris Razook, chuyên gia của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - một thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB), đã nêu ra những thách thức mà các doanh nghiệp Nhà nước nói chung gặp phải sau cổ phần hóa.

Theo chuyên gia này, Nhà nước có vai trò thực thi các hoạt động kinh tế và vai trò chính sách công. Thách thức là, trong một số trường hợp, Nhà nước có thể có những can thiệp không hợp lý, do mục đích chính trị, có thể dẫn đến phân định trách nhiệm không rõ ràng, thiếu trách nhiệm giải trình và có thể gây thất thoát về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Chris Razook cũng dẫn một số tiêu chuẩn về quản trị công ty theo hướng dẫn của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế với 34 thành viên, phần lớn là các nước phát triển) rằng, trong trường hợp doanh nghiệp đó phải thực hiện các mục tiêu chính sách công (như trong cân đối ngân sách, các chương trình tài trợ vốn ưu đãi…), thì phải thông tin đầy đủ về các nội dung liên quan, minh bạch các lợi ích, đặc biệt là đối với các cổ đông phi Nhà nước.

"Trên thực tế, tại Việt Nam nhiều năm qua và hiện nay, có những doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa vẫn phải tham gia các chính sách công, chưa hoàn toàn tự chủ các quyết sách, kế hoạch hoạt động của mình và các lợi ích liên quan chưa được thông tin minh bạch và đầy đủ đến các cổ đông khác, cũng như tới nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) là thành viên thuộc khối doanh nghiệp Trung ương. Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, thậm chí chi phối cả những kế hoạch tưởng như doanh nghiệp đã tự chủ động quyết định.

Qua đại hội đồng cổ đông thường niên 2016, cả BIDV và VietinBank đều thông qua chính sách cổ tức: một là tạm chưa chia, hai là chia bằng một phần cổ phiếu và một phần tiền mặt. Tuy nhiên, sau ý kiến của Bộ Tài chính, cuối cùng cả hai đều phải trả cổ tức bằng tiền mặt.

Vận mệnh của doanh nghiệp trong tình huống trên là phải tăng vốn, từ tranh thủ nguồn lực của cổ đông, để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động. Và có một điểm được chú ý, tỷ lệ biểu quyết thông qua tại đại hội ở mức cao, trong đó có đại diện cổ đông Nhà nước. Nhưng rồi kế hoạch vẫn không thành.

Từ tình huống trên tại BIDV và VietinBank, phần nào có thể thấy sự tham gia của các ngân hàng thương mại Nhà nước vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, nguồn lực và nhân lực, lợi ích và chia sẻ… cụ thể như thế nào vẫn còn để ngỏ.

Tựu trung, chuyên gia IFC khuyến cáo Việt Nam cần từng bước áp dụng các thông lệ quốc tế, các nguyên tắc về quản trị công ty đối với các doanh nghiệp nhà nước theo bộ hướng dẫn của OECD, để hạn chế những xung đột về lợi ích và vai trò, cũng như nhằm đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, minh bạch và có tính giải trình cao.

Niềm tin cho nhà đầu tư

Dẫn giải ở vị trí của một nhà đầu tư, đại diện trên của IFC cho rằng, IFC cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên là các chuẩn mực quản trị công ty. Đây cũng là điểm góp phần quyết định có đặt niềm tin vào doanh nghiệp đó hay không.

Cùng góc nhìn này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đưa ra hai tiêu chí về khung khổ pháp lý và về quản trị doanh nghiệp. Cả hai cùng góp phần xây dựng niềm tin của nhà đầu tư.

Về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp, dẫn chiếu đánh giá của WB, Việt Nam ở mức trung bình trong khu vực. Trong khi đó, về quản trị doanh nghiệp, nhiều năm qua Việt Nam đứng ở vị trí thấp hơn rất nhiều so với hầu hết các nước trong khối ASEAN.

Theo ông Hiếu, với thang điểm 100, Việt Nam được chấm ở khoảng 28-35 điểm, có thể xếp hạng trung bình kém. Còn nói một cách đời thường thì quản trị doanh nghiệp của Việt Nam “thê thảm” khi so với thế giới.

“Ví như khi nhà đầu tư bỏ tiền vào thị trường chứng khoán, người ta sẽ nhìn vào doanh nghiệp, nhìn vào khung khổ pháp lý và quản trị doanh nghiệp. Với thực tế “thế thảm” đó, phải làm sao để nâng cao được để tạo niềm tin, thu hút nhà đầu tư”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia này khuyến nghị rằng, đến lúc Việt Nam phải thay đổi mô hình quản trị công ty cổ phần, mà sau 20 năm áp dụng không hiệu quả. Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh đến một ví dụ bất cập, phổ biến hiện nay là vị trí của ban kiểm soát tại doanh nghiệp, do hội đồng quản trị bầu ra và thuộc/phục vụ hội đồng quản trị, theo đó chất lượng kiểm soát hạn chế.

Thay vào đó, các doanh nghiệp cần từng bước áp dụng các mô hình hiện đại, ví như cơ cấu hội đồng quản trị cần mở rộng các thành viên độc lập và có ban kiểm toán nội bộ theo khối độc lập đó…

Theo ông Hiếu, điểm đáng mừng là thực tế tại Việt Nam bước đầu đã có một số doanh nghiệp đi theo mô hình quản trị hiện đại, cũng như các đầu mối có vai trò như SCIC đang từng bước thí điểm và đưa vào áp dụng các quy tắc thông lệ quốc tế về quản trị tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước mà họ đại diện.

“Những chuyển động đó, cũng như khung khổ quản trị doanh nghiệp nói chung, phải hoàn thiện hàng năm, và hy vọng có thể từng bước thúc đẩy được sự cải thiện”, ông Hiếu hy vọng.

Theo Vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...