Hé lộ chiêu "tuồn" hơn 6 tấn vàng lậu từ Campuchia về Việt Nam

Trong hai tháng, Nguyễn Thị Minh Phụng và đồng phạm giấu tổng cộng 6 tấn vàng, trị giá 8.500 tỷ đồng, trong ngăn bí mật của xe ba gác chở nước đá từ Campuchia về Tây Ninh...

Một số thỏi vàng trong vụ án bị cảnh sát thu giữ. Ảnh: Bộ Công an
Một số thỏi vàng trong vụ án bị cảnh sát thu giữ. Ảnh: Bộ Công an

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng và truy tố bị can Nguyễn Thị Minh Phụng, 43 tuổi; Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng tại Tây Ninh); Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, chị ruột Phượng) cùng 21 bị can khác về tội buôn lậu theo Khoản 4 Điều 188 Bộ Luật Hình sự.

KHOANG BÍ MẬT DƯỚI XE BA GÁC

Theo cáo trạng, đầu năm 2022, Phụng và Phượng thấy giá vàng trong nước cao hơn bên Campuchia nên lập 2 đường dây độc lập, lén đưa về Việt Nam bán kiếm lời. Hai người này đã liên kết với Giàu - sống gần cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh, cùng nhiều người khác để lên kế hoạch vận chuyển.

Trong đó, Giàu là cư dân biên giới (hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới đất liền), được phép qua lại cửa khẩu khi có nhu cầu sinh hoạt, mà không bị buộc phải kiểm soát hải quan.

Sau khi tham gia đường dây của Phụng và Phượng, Giàu nói con trai Trần Thanh Thắng, 22 tuổi, chủ xưởng sản xuất nước đá, buôn bán với một số người Campuchia, móc nối với nhóm người bên kia biên giới để mua vàng thỏi từ Phnom Penh đưa về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc.

Mỗi buổi chiều, Phụng sẽ báo số lượng vàng cần lấy để Giàu đặt hàng nhóm này chuẩn bị. Đến sáng hôm sau, những người ở Campuchia sẽ giấu vàng vào khoang bí mật trên xe ba gác máy chở nước đá (do người Campuchia điều khiển), đi đến khu vực barie số 1 cửa khẩu Chàng Riệc rồi thông báo cho Giàu để kêu Thắng ra lấy xe này về. Vàng sau đó sẽ được đưa lên nhiều ôtô chở đi giao cho đàn em của Phụng tại ấp Tân Phú, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Còn USD thanh toán sẽ được Giàu tiếp tục giấu vào khoang bí mật của xe ba gác, phủ bạt và các bao tải đựng đá lên, để Thắng chạy đến barie số 1 giao cho nhóm người Campuchia.

Theo thỏa thuận, mỗi thỏi vàng (nặng một kg) đưa từ Campuchia về Tây Ninh, Giàu được trả công 170 USD. Khi chuyển tiền của Phụng qua thanh toán, bà này được hưởng 2.500 đồng/100 USD. Bằng hình thức tương tự, Phượng cũng nhập lậu nhiều chuyến vàng.

MANG VÀNG KHỐI QUA CỦA AN NINH MÁY BAY

Vàng lậu sau khi được đưa từ Tây Ninh về TP.HCM sẽ được Phụng mang đến các căn nhà trên đường Hồng Bàng (quận 5), Cư xá Lữ Gia (quận 10); Xóm Đất (quận 8), Chung cư Khang Phú (quận Tân Phú) cất giấu rồi bán lại cho các tiệm vàng. Bà này mua nhiều điện thoại, sử dụng các ứng dụng Telegram, Viber, Zalo... để chỉ đạo các "chân rết" trong đường dây tiếp nhận, quản lý, giao vàng lậu cho khách hàng, ghi chép sổ sách. Cuối mỗi ngày họ phải báo cáo tình hình mua bán để Phụng cân đối đặt hàng bên Campuchia.

Các khách hàng lớn của Phụng là chủ tiệm vàng Đặng Thị Thanh Hằng (đang bị truy nã), Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan, quận 6), Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) và một số cửa hàng mua lẻ khác. Trong đó, riêng Hằng đã lấy khoảng 300 kg vàng, trị giá gần 400 tỷ đồng.

Sau thời gian theo dõi, Cục cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) đã bắt quả tang việc giao nhận vàng của băng nhóm này tại đường Hồng Lạc, phường 14, quận Tân Bình. Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt hàng chục người; khám xét nhiều địa điểm liên quan tại tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, thu tổng cộng 76 thỏi vàng (tương đương 76 kg), gần 3 triệu USD, 64.000 Euro, 5.000 đôla Australia, 10 triệu won Hàn Quốc, 10 triệu yên Nhật, hơn 45 tỷ đồng và hàng loạt tang vật khác. Riêng Đặng Thị Thanh Hằng đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Nói thêm về đường đi của vàng do bị can Đặng Thị Thanh Hằng nắm giữ, theo hồ sơ, tiệm vàng Phúc Hằng không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu. Song bị can Hằng đã giao dịch, đặt mua vàng thỏi nhập lậu của Phụng để bán lại kiếm lời.

dang-thi-thanh-hang-1096.jpeg
Bị can Đặng Thanh Hằng, chủ tiệm vàng Phúc Hằng. Ảnh: Bộ Công an

Để che giấu vàng lậu, bị can Hằng yêu cầu Phụng phải xóa hết chữ nước ngoài, thông tin trên thỏi vàng trước khi giao hàng cho nhân viên của bà ta, đồng thời việc giao - nhận không có ký nhận gì.

Nguyễn Duy Đức (nhân viên tiệm vàng) được Hằng chỉ đạo chỉ nhận vàng đã xóa chữ. Sau khi thỏa thuận với Phụng, Hằng giao cho Đặng Nam Trung (em trai ruột) và Trịnh Việt Châu (con rể cũ) hoặc thông qua một số nhân viên hàng không để gửi tiền vào TP.HCM cho Đức, rồi đưa cho Phụng để mua vàng lậu.

Nhận vàng lậu xong, Đức giao cho Đặng Nam Trung hoặc Trịnh Việt Châu hoặc gửi tiếp viên hàng không vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội.

Đức thừa nhận hành vi bị cáo buộc và cho hay do bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng chỉ đạo. Đức khai, hàng ngày bị can Hằng gọi điện hoặc nhắn tin riêng, tin trên nhóm Telegram "Quỹ Sài Gòn" về số tiền ngoại tệ được chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để mua vàng lậu từ Phụng.

Tiền, ngoại tệ được đóng gói thành các bọc nilon đen kín, được Trung hoặc Châu đi máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM giao cho Đức. Trường hợp họ không vào được, ngoại tệ sẽ được gửi cho tiếp viên mang hộ.

Buổi chiều tối hàng ngày, Đức nhận vàng lậu từ nhân viên của Phụng. Theo chỉ đạo trước của Hằng, Đức chỉ nhận vàng thỏi đã được xóa chữ. Việc giao nhận tiền, vàng hàng ngày, Đức ghi chép đầy đủ vào sổ tay theo dõi cuối ngày. Anh ta còn chụp lại ghi chép rồi gửi lên nhóm Telegram "Quỹ Sài Gòn", để báo cáo cho Hằng.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ vai trò của bị can Trung trong vụ án. Theo đó, hồ sơ thể hiện Trung mang tiền, ngoại tệ hoặc gửi qua tiếp viên từ Hà Nội vào TP.HCM giao cho Đức. Bị can cũng là người mang vàng lậu từ TP.HCM ra Hà Nội.

Khi làm thủ tục lên máy bay, Trung đi qua cửa VIP kiểm soát an ninh sân bay Tân Sơn Nhất và có quen biết với nhiều nhân viên an ninh tại đây. Khi mang vàng ra Hà Nội, Trung đều nhờ làm thủ tục lên máy bay trước.

Trường hợp Trung không trực tiếp mang vàng ra mà giao cho Châu hoặc gửi tiếp viên, Trung cũng đều nhờ trước nhân viên an ninh trực để các cá nhân này mang vàng qua cửa an ninh.

Trung không thừa nhận việc có nhận vàng từ Đức để mang ra Hà Nội cho chị gái mình. Song cơ quan điều tra căn cứ vào lời khai của Đức, trích xuất camera an ninh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất..., xác định bị can Trung nhận 15kg vàng lậu từ Đức rồi mang từ TP.HCM ra Hà Nội hôm 28/9/2022.

Quay lại với bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong hơn hai tháng (16/7 đến 28/9/2022), đường dây này đã vận chuyển trót lọt hơn 6 tấn vàng vào Việt Nam. Trừ tiền công của những người tham gia, Phụng lãi 500.000 đồng. Tổng cộng, Phụng hưởng lợi gần 2,5 tỷ đồng; Phượng 132.000 USD (tương đương 3 tỷ), còn Giàu được gần 14 tỷ.

Xem thêm

Thấy gì từ vụ nhập lậu 18 kg vàng?

Thấy gì từ vụ nhập lậu 18 kg vàng?

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VGTA cho rằng, khi cho nhập khẩu vàng nguyên liệu thì ngoại tệ được chuyển qua con đường chính ngạch, ngân hàng quản lý được đầu ra đầu vào, thúc đẩy D

Có thể bạn quan tâm