Hé lộ mức lương khủng của lãnh đạo các ngân hàng: Cao nhất lên tới hàng chục tỷ đồng/năm

Không chỉ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, nhiều nhà băng cũng mạnh tay chi tiền lương và phụ cấp cho đội ngũ nhân sự cấp cao. Tuy nhiên, ngân hàng báo lãi nhiều không đồng nghĩa sẽ chi trả mức lương cao...

tien-luong-16647838003431647838693-1129.jpg

Tính đến nay, các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 và cả năm 2023, trong đó thông tin được nhiều người quan tâm đó là lương thưởng, thu nhập bình quân của các nhân sự cấp cao trong ngành này.

THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ NGÂN HÀNG QUỐC DOANH NHẬN THÙ LAO THẤP HƠN 2,6 LẦN SO VỚI NGÂN HÀNG TƯ NHÂN

Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính năm 2023 của các ngân hàng trong nước cho thấy, mức thù lao cho các vị trí lãnh đạo vẫn có xu hướng gia tăng nhờ kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng đạt tín hiệu khả quan.

Tuy nhiên, đơn vị “quán quân” lợi nhuận không đồng nghĩa sẽ trả lương cao nhất. Dẫn đầu bảng xếp hạng lợi nhuận là ngân hàng Vietcombank, thế nhưng mức lương thưởng của Hội đồng quản trị Sacombank mới là quán quân trong top có thu nhập cao nhất ngành ngân hàng trong năm 2023.

Cụ thể, ngân hàng Sacombank đã chi 44,1 tỷ đồng để trả thù lao cho Hội đồng quản trị trong năm 2023, tăng mạnh so với mức 35,2 tỷ đồng của năm trước. Trong đó, Hội đồng quản trị của Sacombank có 7 thành viên, tính bình quân mỗi thành viên được nhận hơn 6,3 tỷ đồng trong năm 2023.

Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng vẫn được nhận mức thù lao 3,33 tỷ đồng trong năm 2023. Con số thu nhập này không thay đổi so với năm 2022, tương ứng mỗi tháng ông Dũng thu về 280 triệu đồng tiền thù lao.

Bên cạnh đó, hai Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của VPBank là ông Bùi Hải Quân và ông Lô Bằng Giang cùng nhận được mức thù lao 3,1 tỷ đồng/người, không thay đổi so với năm 2022. Mức thù lao trung bình mỗi tháng của hai vị lãnh đạo này nhận được là 260 triệu đồng/người.

Ngân hàng VIB xếp ở vị trí thứ ba với mức thù lao dành cho Hội đồng quản trị năm 2023 là gần 13,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 5,4 tỷ đồng của năm trước. Trong đó Hội đồng quản trị của VIB bao gồm 5 thành viên, bình quân mỗi thành viên sẽ được nhận mức thù lao hơn 2,6 tỷ đồng/người trong năm 2023.

Đứng vị trí thứ tư là ngân hàng MSB với thù lao trả cho thành viên Hội đồng quản trị năm 2023 là hơn 15 tỷ đồng, giảm 8% so với mức 16,4 tỷ đồng của năm 2022. Trong đó, Chủ tịch Trần Anh Tuấn không nhận thù lao, các thành viên còn lại có mức thu nhập dao động trong khoảng 1,5 - 3,2 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 125 - 267 triệu đồng/tháng.

58d3d090-adb4-4e1a-a69f-0a28e2065278-2099.jpeg

Sau MSB là “ông lớn” Vietcombank xếp vị trí thứ năm khi chi 16,7 tỷ đồng để trả thù lao cho Hội đồng quản trị, giảm 11,1% so với năm 2022. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Quang Dũng được nhận 1,6 tỷ đồng, tương đương 136 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ông Dũng đã thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank kể từ ngày 1/1/2024 sau khi được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Tương tự, 2 thành viên Hội đồng quản trị khác là ông Đỗ Việt Hùng và Nguyễn Thanh Tùng cũng có mức thu nhập 1,6 tỷ đồng trong năm 2023, thấp hơn 2,6 lần so với mức thù lao của Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank.

Tuy nhiên, cả 3 sếp lớn nói trên đều có mức thu nhập thấp hơn đáng kể so với các thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị Vietcombank, với thù lao cả năm hơn 2,3 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng thu về gần 200 triệu đồng.

Trong năm 2023, LPBank đã chi hơn 8,5 tỷ đồng để trả thù lao cho Hội đồng quản trị, giảm hơn một nửa so với mức chi 21,1 tỷ đồng trong năm 2022 và đứng vị trí thứ sáu.

Theo ghi nhận, Hội đồng quản trị của LPBank có 7 thành viên. Tuy nhiên, cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đức Thụy không nhận thù lao từ ngân hàng. Với các thành viên Hội đồng quản trị còn lại, mức thù lao bình quân năm vừa qua xấp xỉ 120 triệu đồng/người/tháng.

Tại ngân hàng MBBank, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận được mức thù lao là 2,5 tỷ đồng/năm, tương đương 211,1 triệu đồng/ tháng. Các thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị có thu nhập dao động từ 592 triệu đồng đến 2,3 tỷ đồng/năm.

Còn ngân hàng BVBank có mức thù lao chi trả cho Hội đồng quản trị là 6,1 tỷ đồng. Với 5 thành viên, ước tính mỗi lãnh đạo trong Hội đồng quản trị nhà băng này sẽ nhận về mức lương khoảng 102 triệu đồng/tháng.

THU NHẬP CỦA GIÁM ĐỐC KHỐI VIETCOMBANK CAO GẤP 9 LẦN CHỦ TỊCH VÀ TỔNG GIÁM ĐỐC

Tại ngân hàng Vietcombank, mức thù lao của 3 thành viên trong Ban kiểm soát đã giảm 12,1% xuống còn 4,7 tỷ đồng so với mức chi 5,4 tỷ đồng của năm 2022. Tương đương mỗi thành viên trong Ban kiểm soát của Vietcombank có mức thu nhập bình quân 133 triệu đồng/tháng trong năm ngoái.

Đối với Ban điều hành, Vietcombank đã chi 39,5 tỷ đồng trả lương và thưởng trong năm 2023. Mức chi trả này đã tăng vọt 24,8 tỷ đồng do ngân hàng bổ nhiệm thêm 6 thành viên mới vào Ban điều hành.

Trong đó, Phó Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thắng được nhận mức lương, thưởng lên đến 995 triệu đồng dù đã nghỉ hưu kể từ ngày 1/5/2023. Các Phó Tổng Giám đốc khác được nhận thù lao dao động trong khoảng 2,1 - 2,4 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương thu nhập bình quân 200 triệu đồng/tháng. Riêng Phó Tổng Giám đốc Hồ Văn Tuấn được bổ nhiệm từ giữa tháng 8/2023 được nhận mức thù lao là 658 triệu đồng, tương đương thu nhập bình quân 160 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, Kế toán trưởng và Giám đốc khối của Vietcombank dù mới được bổ nhiệm từ giữa tháng 11/2023 nhưng mức lương, thưởng cao nhất lên tới hơn 5 tỷ đồng.

Đặc biệt, mức thu nhập “khủng” nhất trong Ban điều hành Vietcombank là Giám đốc khối Colin Richard Dinn, người được bổ nhiệm vào cuối tháng 11/2023 có mức lương, thưởng lên đến 15,2 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, thu nhập trung bình mỗi tháng của ông Colin Richard Dinn đạt khoảng 1,26 tỷ đồng, gấp 9 lần thu nhập của Chủ tịch và Tổng giám đốc Vietcombank.

Tại VPBank, 3 thành viên trong Ban kiểm soát của ngân hàng này được nhận mức thù lao, tiền lương và phụ cấp hơn 6 tỷ đồng trong năm 2023, bình quân mỗi thành viên nhận 167 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, các thành viên Ban Tổng Giám đốc VPBank nhận được 57,4 tỷ đồng tiền lương và phụ cấp năm 2023, tương đương khoảng 531,6 triệu đồng/người/tháng.

f7676010-6a32-4228-972d-81313027e808-5676.jpeg

Không chỉ tăng thù lao cho Hội đồng quản trị, Sacombank cũng tăng lương thưởng của Ban Tổng Giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt khác. Theo đó, tổng quỹ lương thưởng và phúc lợi của các nhân sự này đã tăng 8,3%, từ hơn 93,7 tỷ đồng trong năm 2022 lên mức 101,5 tỷ đồng, tương ứng 6,7 tỷ đồng/người trong năm 2023.

Trong khi đó, Sacombank lại giảm thù lao của Ban Kiểm soát từ 17,4 tỷ đồng xuống còn 16,9 tỷ đồng trong năm 2023.

Song song với đó, VIB cũng tăng thù lao cho Ban Kiểm soát từ 3,3 tỷ đồng trong năm 2022 lên 5,5 tỷ đồng. Với Ban Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng, tổng mức lương thưởng mà VIB chi trả trong năm vừa qua là 27,5 tỷ đồng, giảm 18,9% so với năm trước. Với số lượng là 5 thành viên, thành viên Ban Điều hành của VIB có lương thưởng bình quân là 5,5 tỷ đồng/người trong năm 2023.

Tại ngân hàng MBBank, khoản thù lao chi trả 11 thành viên trong ban Tổng Giám đốc và quản lý ghi nhận ở mức 2,4 tỷ đồng/người/năm, tương đương khoảng 201,1 triệu đồng/người/tháng.

MSB cũng giảm gần 1,1 tỷ đồng quỹ lương của Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc xuống 34,6 tỷ đồng. Với 16 thành viên, bình quân mỗi nhân sự Ban Tổng Giám đốc MSB có mức lương 180 triệu đồng/tháng trong năm 2023.

Mức thù lao mà ngân hàng BVBank trả cho Ban Kiểm soát là 1,76 tỷ đồng và cho Ban Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng là 12,1 tỷ đồng, tương ứng mức thù lao của thành viên Ban Kiểm soát ngân hàng này vào khoảng 50 triệu đồng/tháng và lương, thưởng của thành viên Ban Tổng Giám đốc là 168 triệu đồng/tháng.

Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong năm 2023 nhưng LPBank lại giảm mạnh lương, thưởng của Tổng Giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt khác. Theo đó, tổng quỹ lương thưởng và phúc lợi của các nhân sự này đã giảm hơn một nửa, từ hơn 34 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 15,6 tỷ đồng năm 2023.

Trong khi đó, LPBank lại tăng thù lao cho Ban kiểm soát từ 2,2 tỷ đồng năm 2022 lên mức 3,3 tỷ đồng năm 2023, tương ứng khoảng 71 triệu/người/tháng.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, nhiều ngân hàng không công bố mức thù lao của Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo, như: ngân hàng BIDV, ngân hàng VietinBank, ngân hàng SHB, ngân hàng SeABank, ngân hàng Eximbank, ngân hàng Bac A Bank, ngân hàng ABBank, ngân hàng VietBank…

Xem thêm

Lãi suất cho vay giảm 0,25% trong tháng 1/2024

Lãi suất cho vay giảm 0,25% trong tháng 1/2024

Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023...

Toàn cảnh tiền gửi CASA ngành ngân hàng trong năm 2023

Toàn cảnh tiền gửi CASA ngành ngân hàng trong năm 2023

3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong năm vừa qua đều nằm trong nhóm Big 4 với tổng số tiền đạt hơn 4,51 triệu tỷ đồng, tăng 544.621 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Con số này cũng chiếm đến gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống...

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...