Theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tính đến hết quý 4/2023, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) là 6.655,36 tỷ đồng.
Tổng số trích quỹ BOG là 14,94 tỷ đồng, tổng số sử dụng là 132,83 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương là 3,34 tỷ đồng, lãi vay phát sinh trên số dư quỹ BOG âm là 0,0019 tỷ đồng.
Trước đó, số dư quỹ BOG đến hết ngày 30/9/2023 là 6.767,27 tỷ đồng. Thời gian qua, có nhiều bất cập xung quanh quy định trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến quỹ dương hàng nghìn tỷ đồng nhưng không sử dụng được và có dấu hiệu khó đòi vì quản lý lỏng lẻo.
Ngoài vi phạm cấp giấy phép, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1/2024, về trích lập, quản lý, sử dụng quỹ BOG, theo quy định tại Luật Giá, việc áp dụng biện pháp lập quỹ BOG là có thời hạn nhưng hiện nay Chính phủ đang cho áp dụng thường xuyên, liên tục.
Trong khi đó, các quy định hiện nay giao cho nhiều cơ quan tham gia quản lý quỹ BOG (Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp).
Về điều hành quỹ BOG, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi quỹ BOG khi giá chưa tăng với số tiền khoảng 1.142 tỷ đồng và chi quỹ BOG cao hơn mức tăng giá với số tiền khoảng 318 tỷ đồng.
Về quản lý quỹ BOG, theo kết luận thanh tra, cơ quan quản lý quỹ BOG đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong việc quản lý quỹ.
Ngoài ra, việc quản lý quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ. Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về quỹ BOG của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.