Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong khoảng 3 tuần qua, một số nhà máy bước vào vụ sản xuất mới 2017 - 2018, lượng đường sản xuất ra khoảng 10.000 tấn nhưng doanh nghiệp (DN) trong nước không bán được hàng, phải đưa vào kho trữ. Lượng đường tồn kho hồi giữa năm trên 555.000 tấn vừa mới giảm xuống còn hơn 300.000 tấn nay bắt đầu tăng trở lại.
"Lần tồn kho này càng đáng lo hơn khi các DN tiêu thụ không chịu mua đường vì chờ sang năm 2018 để mua giá rẻ. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký VSSA, các DN tiêu thụ chờ bước sang năm 2018, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Khi đó, các nước trong khối sẽ không còn bị hạn chế hạn ngạch nhập khẩu, mức thuế suất chỉ còn về mức 5%, đường giá rẻ từ ASEAN mà cụ thể là Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam. Nhiều nhà máy nhỏ phải chấp nhận bán lỗ để xoay vòng vốn, mua nguyên liệu cho vụ mới.
Để đối phó với những khó khăn trên, VSSA đã “cầu cứu” Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện cam kết ATIGA đến năm 2022 hoặc ít nhất cũng kéo dài đến năm 2020. Bên cạnh đó, hạn ngạch nhập khẩu đường tiếp tục tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017. Kiến nghị của VSSA được Chính phủ giao cho Bộ Công thương cùng các bộ ngành liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, để cạnh tranh, nhiều nhà máy đã điều chỉnh giá bán buôn đường xuống mức 12.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được hàng. Với mức giá này, nhiều nhà máy đã phải chịu bán lỗ vì giá thành sản xuất đường của Việt Nam bình quân 13.000 đồng/kg. Trong nhiều năm qua, ngành mía đường luôn gặp khó khăn vì đường ngoại, đặc biệt là đường nhập lậu. Giá đường nhập lậu luôn rẻ hơn đường nội khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Theo GS Võ Tòng Xuân, giá sản xuất đường bình quân của thế giới là 10.000 đồng/kg và Thái Lan khoảng 8.000 đồng/kg. Sự yếu kém của ngành đường chủ yếu xuất phát từ ngành trồng mía khi cả năng suất và chất lượng đều thấp.
Còn theo ông Hải, trong khi giá mía nguyên liệu của Thái Lan chỉ có 600.000 - 700.000 đồng/tấn thì ở Việt Nam lên tới trên 1 triệu đồng.Thái Lan có chính sách phát triển ngành mía đường rất tốt nên họ là “vô địch” so với các nước trong khu vực, còn chúng ta không có chính sách nào cụ thể, rõ ràng cho cây mía cả.
Lẽ ra chúng ta phải ý thức được rằng, Thái Lan quá mạnh trong ngành mía đường khi đàm phán ATIGA. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải có chính sách cho ngành đường Việt Nam và phải bắt đầu từ cây mía.
Theo Vov