Hộ kinh doanh cá thể và cuộc chiến "địa vị pháp lý"

Đóng góp trên 30% GDP của nền kinh tế, luôn có mặt trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, nhưng đến giờ vị thế pháp lý của hộ kinh doanh mới được bàn đến.
Hộ kinh doanh cá thể và cuộc chiến "địa vị pháp lý"

Sức sống từ những thực thể li ti

"Chỉ cần bước chân ra phố, về các làng quê, thậm chí lên những vùng xa xôi nhất, sẽ thấy sức sống của hộ kinh doanh"- Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Công ty luật NHQuang và Cộng sự đã bắt đầu phần chia sẻ về hộ kinh doanh ở Việt Nam như vậy. Họ là những hộ gia đình, những nhóm người đang tụ với nhau để thu vén cuộc sống của bản thân.

Không chỉ như vậy, những cá nhân đang kiếm bộn tiền trên online, như các youtuber, các nhà phát triển game... cũng là những hộ kinh doanh không đăng ký – theo nghĩa là các cá nhân kinh doanh – một phần định nghĩa hộ kinh doanh của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, cho dù rất khó điểm danh cụ thể các hộ kinh doanh này, nhưng con số 5,1 triệu hộ và mức đóng góp 30% trong GDP của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho khoảng 8,7 triệu lao động trên cả nước đã nói lên sức sống của khu vực này. Trong số này, khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh đang phát sinh thuế theo thống kê của Tổng cục Thuế.

Hơn thế, ông Vũ Tiến lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn nhắc đến thực tế, hộ kinh doanh cũng đang là nơi trú ẩn của những ý tưởng, sáng tạo kinh doanh không ngừng nghỉ của người dân.

“Trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, hộ gia đình là nơi duy trì sức sống của nền kinh tế, thông qua nhu cầu tồn tại để nuôi sống gia đình. Nhưng vào thời đại kinh tế số, cá nhân kinh doanh lại là nơi thử nghiệm tốt nhất các ý tưởng sáng tạo táo bạo... ”, ông lộc nói và coi đây là cái đáy của kim tự tháp doanh nghiệp Việt, quyết định sự vững chãi, bền bỉ của kim tự tháp này.

Không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành DN phải sống và khó sống như DN siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các DN siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh Doanh. Do Vậy, nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên thì buộc phải hạ chuẩn DN siêu nhỏ xuống để họ dễ làm ăn”, luật sư Trương Thanh Đức - Công Ty luật Basico.

Nhưng thường xuyên vô hình

Trong nội dung nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, gặp gỡ doanh nghiệp để bàn về cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh, hộ gia đình gần như vắng bóng.

Thậm chí, ngay trong những cuộc tọa đàm mới đây để bàn về vị thế pháp lý của khu vực này trong luật Doanh nghiệp, khi văn bản luật này đang được sửa đổi, không có sự xuất hiện nào của hộ kinh doanh.

“Họ không có tên trong hiệp hội doanh nghiệp. không ai đại diện cho khu vực đóng góp tới 30% GDP này. Có lẽ chỉ duy nhất VCCI có hộ kinh doanh trong hội viên của mình”, ông lộc nói. Điều này cũng lý giải một phần nguyên nhân VCCI lên tiếng đề nghị đưa hộ kinh doanh vào trong luật Doanh nghiệp một cách chính danh, như một loại hình doanh nghiệp một chủ, chứ không phải bắt buộc hay khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp như lâu nay luật Doanh nghiệp đang đặt ra.

Hiện tại, mặc dù được nhắc đến trong luật Doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh gần như vô hình với các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư, kinh doanh hiện hành. Trong khi đó, những giới hạn mà luật Doanh nghiệp đặt ra cho khu vực này lại không hề nhỏ. Hộ kinh doanh chỉ được sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động; chỉ được đăng ký kinh doanh tại 1 địa điểm; không được tạm dừng kinh doanh quá 12 tháng...

Trong khi đó, khu vực này lại gần như được thả lỏng các quy định liên quan đến bảo hiệm xã hội, các quy định về an toàn lao động, môi trường... Đương nhiên, khu vực này gần như không có cơ hội tiếp cận với ngân hàng, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, tư vấn, hỗ trợ công nghệ...

Đổi lại, họ có sự đơn giản trong cách tính toán thuế, không phải tuân thủ các quy định về sổ sách, kế toán, cho dù trên thực tế, có những hộ kinh doanh có doanh thu cả chục trăm tỷ đồng/năm, quy mô hoạt động không kém gì doanh nghiệp.

Đây là lý do trong 5,1 triệu hộ kinh doanh, chỉ khoảng 1,6 triệu hộ phát sinh thuế, theo ghi nhận của Tổng cục Thuế. Theo khảo sát của Economica Việt Nam, khu vực này cũng có mức đóng góp rất thấp vào ngân sách, chỉ khoảng 2% tổng nguồn thu từ khu vực kinh tế tư nhân.

"Trong hơn 1 năm thực hiện luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội chỉ có 9 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh chính danh bằng cách nào?

khi tìm hiểu về hộ kinh doanh để nghiên cứu văn hoá pháp lý của khu vực này, luật sư Nguyễn Hưng Quang đã gặp một số youtuber nổi tiếng, đang kiếm được hàng tỷ đồng mỗi năm.

“Các cá nhân này phần lớn không thành lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp vì họ ngại chi phí tuân thủ, ngại phiền toái từ thủ tục hành chính. Nhiều người trong số này đăng ký mã số thuế cá nhân và chấp nhận mức nộp cao, bất chấp họ sẽ không được khấu trừ chi phí đầu vào, nhưng họ có sự linh hoạt và cơ hội làm ăn ở nước ngoài mà không bị các giới hạn bằng thủ tục hành chính”, ông Quang chia sẻ.

Cũng câu chuyện từ ông Quang khi hỗ trợ một số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Quyết định chuyển đổi này có sức ép từ khách hàng lớn, với yêu cầu chuyện nghiệp hóa, tuân thủ các quy định pháp luật...

“Chi phí chuyển đổi cũng do khách hàng chi trả, chứng tỏ sức hấp dẫn của hàng hóa mà hộ kinh doanh này cung cấp. Tuy nhiên, sau một thời gian là doanh nghiệp, người chủ quyết định trở về làm hộ kinh doanh, chấp nhận mất đi khách hàng lớn. Họ nói với chúng tôi, họ không thể có mức giá cạnh tranh chi phí tăng, cộng với đó là khả năng quản lý không theo kịp”, ông Quang kể.

Điều này có nghĩa là nhu cầu hoạt động của hộ kinh doanh là thực tế, cũng như việc nhiều hộ kinh doanh nghiệp không muốn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp là thực tế. Trong hơn 1 năm thực hiện luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội chỉ có 9 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Cũng phải thẳng thắn, sự tồn tại của hộ kinh doanh không ảnh hưởng đến ngành thuế vì chế độ quản lý thuế nên phụ thuộc vào quy mô doanh thu, không phụ thuộc vào tư cách chủ thể. Thậm chí, ngành này cũng xác định nội hàm hộ kinh doanh là cá nhân kinh doanh, để quản lý thuế. luật Dân sự và các quy định của ngân hàng cũng theo hướng này.

Đây là lý do nhiều chuyên gia đề nghị bỏ khái niệm hộ kinh doanh, để gọi đúng bản chất là các doanh nghiệp một chủ hay cá nhân kinh doanh như thông lệ quốc tế.

"Hộ kinh doanh là cái đáy của kim tự tháp doanh nghiệp Việt, quyết định sự vững chãi, bền bỉ của kim tự tháp này.

Nhưng, sự ra đời và quan trọng là sự gắn kết chặt chẽ của khu vực hộ kinh doanh với đời sống người dân, nhất là khu vực nông thôn có thể chưa phù hợp với sự dứt khoát này. Nhưng,nếu không làm rõ nội hàm của khu vực hộ kinh doanh, cũng như không tạo cho họ một địa vị pháp lý rõ ràng, cơ hội để khu vực này có động lực làm ăn minh bạch hơn, có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như trách nhiệm xã hội với cộng đồng sẽ rất hẹp. Thậm chí, nghiên cứu của Economica Việt Nam còn phát hiện, khu vực này đầy dư địa của tham nhũng vặt, của phiền nhiễu từ công chức cấp phường, xã...

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu để có phương án phù hợp. song, quan điểm của tôi là sẽ tạo môi trường thuận lợi để khu vực này phát triển mạnh mẽ, chứ không phải làm họ e ngại”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2019, những nội dung chi tiết liên quan đến hộ kinh doanh sẽ được đưa vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp.

Cuộc bàn luận về vị thế pháp lý của hộ kinh doanh sẽ còn tiếp tục!

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...