Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Lợi ích phải nhiều hơn chi phí

Các hộ kinh doanh cần phải thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn cản trở thì họ mới có động lực để chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Lợi ích phải nhiều hơn chi phí

Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Một trong những giải pháp trọng yếu để đạt được mục tiêu này là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp.

Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mặc dù nhận thức được rằng, khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sẽ có thêm điều kiện tiếp cận vốn, hay các tận dụng được nguồn lực khác dễ dàng hơn… Song, câu chuyện chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức xuất phát từ cơ chế, chính sách.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, điều kiện cũng như thủ tục để chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình là không có gì phức tạp. Tuy nhiên, chi phí chính là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp.

“Chủ hộ kinh doanh muốn tránh nghĩa vụ thuế, vì hiện nay khu vực kinh doanh cá thể vẫn được thực hiện theo chế độ thuế khoán, nên việc khai báo thuế đơn giản hơn. Mặt khác, họ ngại vượt qua các thủ tục hành chính do còn rườm rà, chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... phức tạp”, ông Nam chia sẻ. 

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, hiện các hộ kinh doanh còn rất cân nhắc, thận trọng khi chuyển đổi mô hình vì lo ngại phức tạp.

Việc chuyển thành doanh nghiệp sẽ khiến các hộ kinh doanh phải mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính. Đồng nghĩa với việc khi có giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp thì thủ tục hành chính phức tạp hơn lên, rất nhiều thủ tục như bảo hiểm, công đoàn, thuế, lao động, phòng cháy chữa cháy... sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên.

“Tính toán của VCCI cho thấy, khi chính thức trở thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì chi phí tuân thủ trên lợi nhuận, doanh thu tăng lên rất lớn. Vì thế, cơ quan nhà nước cần tính toán cụ thể chi phí của một hộ kinh doanh để trở thành doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh cần phải thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn cản trở thì họ mới có động lực trong chuyển đổi”, ông Tuấn nói.

Nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, muốn hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp thì trước hết, chính sách phải hỗ trợ được toàn diện và nhất quán cho doanh nghiệp về lâu dài. Trong khi hiện nay, chính sách dường như mới chỉ hỗ trợ trong việc thành lập doanh nghiệp và động viên khởi nghiệp.

Ông Tô Hoài Nam đề xuất, khi chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ rất cần những chính sách để có chỗ dựa để phát triển ý tưởng kinh doanh mới. Trong khi hiện nay, những chính sách kiểu này vẫn còn chưa cụ thể.

Chỉ rõ trở ngại trong việc chuyển đổi, một số chuyên gia kinh tế còn cho biết, nhiều cán bộ cấp huyện, đội thuế, chi cục thuế còn không muốn các hộ kinh doanh cá thể đăng ký lên doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi lên doanh nghiệp, quyền quản lý của các cán bộ thuế cấp cơ sở sẽ bị mất vì các doanh nghiệp sẽ đăng ký kinh doanh ở cấp sở, thủ tục hành chính thực hiện tương đối công khai, minh bạch hơn.

Chỉ rõ vướng mắc và đề ra biện pháp cho quá trình này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, nút thắt đang làm giảm động lực của các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp chính thức chính là thỏa thuận về thuế, giúp họ tránh thuế hay trốn thuế dễ dàng hơn.

“Cơ chế thuế khoán cao hay thấp, khoán tăng nhanh hay chậm đều phụ thuộc rất lớn vào cán bộ thuế. Chỉ khi nào lợi thế của hộ kinh doanh trong thuế khoán không còn nữa thì động lực chuyển lên doanh nghiệp sẽ tích cực hơn”, ông Tuấn chỉ rõ.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng khuyến cáo, mặc dù có quy định cho phép doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với mặt bằng sản xuất, nhưng quy định đó mới chỉ ở mức độ khuyến khích nên sẽ không tạo động lực cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Chính vì vậy, rất cần có đạo luật hỗ trợ DNNVV đề cập sâu đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, khi đó sẽ thực sự tạo được động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...