Phải xác định không có bên thắng hoàn toàn khi hòa giải
Hòa giải thương mại hay còn gọi là phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án hay còn gọi là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế.
Luật sư Nguyễn Trung Nam, Thành viên sáng lập EP Legal cho biết, hòa giải thương mại được xem là "con thú của người châu Âu". Khi làm việc cùng doanh nghiệp nước ngoài, phương pháp hòa giải thương mại được xem như một công cụ thay thế hữu hiệu và được họ sử dụng thuần thục giải quyết tranh chấp với đối tác, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và duy trì mối quan hệ các bên.
Tại Việt Nam, hòa giải thương mại được quy định trong Chương 33 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Đặc biệt, ngày 24/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Đây được xem là khung khổ pháp lý thuận lợi cho các bên muốn tham gia hòa giải thương mại.
Tuy nhiên, ông Đinh Quang Thuận, luật sư tại Global Vietnam Lawyers cho hay, Nghị định 22 ra đời không phải do sự nhu cầu từ thực tế là các bên muốn hòa giải với nhau, mà do sáng kiến của nhà chức trách muốn tạo hành lang phát triển hòa giải tại Việt Nam.
“Điều này giống như việc tạo ra phong trào, hướng dẫn thực tế và doanh nghiệp làm quen với phương thức hòa giải và thêm một lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Vì vậy nên hòa giải ở Việt Nam vẫn cần thêm một thời gian để doanh nghiệp có thời gian tiếp cận”, ông Thuận nêu quan điểm.
Ở một khía cạnh khác, vị luật sư này cho rằng, hòa giải thương mại tại Việt Nam muốn phát triển quan trọng nhất là tinh thần của hai bên tham gia vào tranh chấp, với mục đích giải quyết tranh chấp bằng tinh thần xây dựng hay giải quyết với tinh thần một là thắng, hai là thua. Bởi khi hòa giải, kết quả sẽ kiểm soát được nhưng thường không có bên nào thắng hoàn toàn hay thua hoàn toàn, phải có sự nhân nhượng nhất định để cùng bắt tay nhau, kí vào một thỏa thuận chung.
“Khi tham gia giải quyết với doanh nghiệp nước ngoài, họ rất thuần thục trong hòa giải, họ rất cân nhắc, kể cả họ đang ở vị trí người thắng thì cũng sẵn sàng nhường nhịn bên kia để tiến tới hòa giải. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam tinh thần thắng thua trội hơn, bất kể vị trí pháp lý của mình như thế nào. Bên thắng đòi thắng toàn bộ, bên thua cũng đòi thắng, nếu cứ căng như thế thì rất khó”, ông Thuận nhấn mạnh.
Nên nhìn thấy cơ hội sau hòa giải
Luật sư Đinh Quang Thuận cũng cho biết, trong kinh doanh, việc tranh chấp là không thể tránh khỏi. Vì vậy, trước mỗi vụ tranh chấp, doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết hợp lý. Bởi ngay cả việc giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, bên thắng cũng không thể thắng hoàn toàn vì có nhiều vụ việc dù yếu tố pháp lý đơn giản cũng phải kéo dài đến chục năm do giám đốc thẩm tái đi tái lại.
“Doanh nghiệp nên cân nhắc làm sao để chuyển từ thế phải ăn thua đủ chuyển sang tiết kiệm thời gian, nhường nhịn nhau một chú và dành thời gian, chi phí khi tranh chấp, để tìm cơ hội mới. Từ hai người tranh chấp với nhau, sau khi hòa giải có thể tìm được cơ hội kinh doanh mới chứ không phải trở mặt hoàn toàn”, ông Thuận nhấn mạnh.
Còn theo luật sư Nguyễn Trung Nam, hiện các công ty lớn đều có chiến lược giải quyết các tranh chấp, nhưng các công ty nhỏ chưa thực sự để tâm do nguồn lực còn yếu, dẫn đến khi xảy ra mâu thuẫn rất luống cuống trong việc giải quyết. Vì vậy, người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn, nên làm quen và xây dựng chiến lược giải quyết tranh chấp để sẵn sàng đối diện khi tình huống mâu thuẫn xảy ra.
“Ví dụ doanh nghiệp không hòa giải trọng tài, tòa án trong nước mà hòa giải bằng tòa án nước ngoài thì doanh nghiệp phải có chiến lược giải quyết tranh chấp, trong chiến lược đó nên quan tâm làm quen dần với hòa giải thương mại cần yếu tố gì, đội ngũ chuẩn bị ra sao”, ông Thuận nhấn mạnh.
Hiện nay, tại Việt Nam tồn tại 4 phương thức giải quyết tranh chấp bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án.
Qua số liệu thống kê khảo sát của Bộ Tư pháp, phương thức giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp, cá nhân ưu tiên sử dụng lần lượt là thương lượng (57,8%), tòa án (46,8%), hòa giải (22,8%) và cuối cùng là trọng tài (16,9%).