Hội bảo vệ người tiêu dùng: Điều hành giá xăng 1 tuần 2 lần là tốt nhất!

Nếu tăng cường sự đầu tư về con người, phương tiện… của cơ quan quản lý có thẩm quyền thì thời gian điều hành giá xăng - công bố giá xăng 1 tuần 2 lần là tốt nhất...

Trong khi đó, về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, theo phương án lựa chọn của Bộ Công Thương có điểm thuận lợi là để doanh nghiệp có thể tự chủ một số loại yếu tố, giá… Tuy nhiên, phương án này cần lưu ý điểm hạn chế dễ phát sinh là có phương án để xử lý các hệ quả do phương án gây ra như khi có nhiều loại giá khác nhau do chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác nhau ở các vùng.

Đó là quan điểm của Thạc sỹ Đỗ Huy Trung - Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 14/2/2023, tại Hà Nội.

Ông Trung đưa ra quan điểm, việc kinh doanh xăng dầu và công tác quản lý kinh doanh xăng dầu ở nước ta rất phức tạp vì phải đáp ứng nhiều mục tiêu, mục đích theo cơ chế thị trường có sự định hướng của nhà nước; Liên quan đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp kinh doanh và của người tiêu dùng… trong khi lĩnh vực kinh doanh xăng dầu chịu nhiều tác động của những biến động thị trường thế giới, nên cần thiết phải sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Điều hành giá xăng 1 tuần 2 lần là tốt nhất!

Góp ý cụ thể về thời gian điều hành giá xăng - công bố giá xăng, ông Trung cho rằng, thời gian điều hành giá xăng - công bố giá xăng rất quan trọng trong điều kiện diễn biến giá cả xăng dầu thay đổi liên tục do chịu tác động của biến động giá cả trên thế giới. Thời gian công bố giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng và gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý có thẩm quyền công bố giá.

Thời gian vừa qua, thời gian điều hành giá xăng - công bố giá xăng có sự thay đổi liên tục (15, 10, 7 ngày…). Trong lần sửa đổi này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án (dự thảo tờ trình nhầm là 03 phươn án) và chọn phương án 2, đó là thời gian công bố giá là 7 ngày vào thứ 5 hàng tuần. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời gian điều hành giá xăng - công bố giá xăng càng ngắn thì bảo đảm tính chính xác, giá sát thị trường càng cao, càng minh bạch. Nếu tăng cường sự đầu tư về con người, phương tiện… của cơ quan quản lý có thẩm quyền thì thời gian điều hành giá xăng - công bố giá xăng 1 tuần 2 lần là tốt nhất, ông Trung nói.

Về quyền và nghĩa vụ của Thương nhân phân phối và tổng đại lý xăng dầu, đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm, Bộ Công Thương cần lý giải rõ tại sao chỉ cho phép Thương nhân phân phối chỉ được mua hàng tối đa của 3 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu mà không được mua nhiều hơn, có thể yêu cầu thương nhân phân phối có các điều kiện nhất định thì được mua hàng từ nhiều đầu mối khác nhau, như có kho bãi riêng chứa từng nguồn mua, sổ sách đầy đủ...

Đặc biệt, về quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, về lâu dài có thể nghiên cứu bỏ Quỹ này. Vì việc lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn hưởng lợi, ông Trung nhấn mạnh.

Trong khi đó sau khi nghiên cứu các điều kiện kinh doanh xăng dầu cần, theo đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cần phải xem xét các điều kiện thông thoáng hơn cho việc phát triển các doanh nghiệp, tăng cường cạnh tranh như mục tiêu hiện nay cũng như lâu dài đặt ra.

Đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam khuyến nghị thêm, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có nhiều nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, đối tượng bị tác động trực tiếp. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến và nghiên cứu các ý kiến của các đối tượng bị trực tiếp tác động do sửa nghị định này; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tài chính để sửa đổi những nội dung quan trong liên quan đến trách nhiệm của Bộ tài chính.

Có thể bạn quan tâm