Bộ Tài chính không muốn một mình điều hành giá xăng dầu

Giao toàn bộ việc điều hành giá xăng về 1 đầu mối và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì là không phù hợp…

Do đó, theo Bộ Tài chính việc điều hành giá xăng nên để một mình Bộ Công Thương thực hiện, còn bộ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Mới đây, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Công Thương để tham gia ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu.

Trong công văn, Bộ Tài chính nêu quan điểm là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí - bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Còn Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định. Phương án này đã được rà soát đánh giá từ thực tiễn, các cơ sở pháp lý.

Bộ Tài chính phân tích, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện.

Chỉ mình Bộ Tài chính điều hành giá xăng là không phù hợp!
Chỉ mình Bộ Tài chính điều hành giá xăng là không phù hợp!

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất về một cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan điều hành giá xăng dầu để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Vẫn theo Bộ Tài chính, theo quy định Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.

Với chức năng, thẩm quyền như vậy Bộ Công Thương nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm. Vì thế, cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

Việc thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân. Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá, vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành giá.

Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng việc giao toàn bộ việc điều hành giá về 1 đầu mối và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì là không phù hợp.

Một thông tin rất quan trọng được Bộ Tài chính viện dẫn là tại khoản 3 Điều 8 Luật Giá đã có quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định”; tại dự thảo Bộ Công Thương cũng đánh giá việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu sẽ có những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường xăng dầu không được hài hòa.

Với lập luận trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm