Hội nghị là cách Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020; đồng thời cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu năm 2020 tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước, thu ngân sách trên địa bàn đạt dự toán được giao.
Tối qua (22/6), tại cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, nghe báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển", Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương (HPA) thông tin, có gần 10 tỉnh, thành phố và 540 doanh nghiệp (trong đó có 120 doanh nghiệp nước ngoài) xác nhận tham dự. Hội nghị dự kiến thu hút khoảng 1.400-1.500 đại biểu. Qua hội nghị, thành phố Hà Nội thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Hội nghị cũng là giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng; quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thủ đô và của các địa phương trong vùng.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội khẩn trương xây dựng tiêu chí, tập hợp đề xuất của các quận, huyện, sở, ngành trình thành phố để lựa chọn danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị đã triển khai xây dựng kịch bản, đoạn phim, phương án trưng bày toàn bộ quy hoạch của 28 khu chung cư cũ, các quy hoạch lớn của thành phố…
UBND thành phố đã lập danh mục dự án dự kiến trao 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng, với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng. Trong đó, có 100 dự án trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn 225.583 tỷ đồng, vốn tăng thêm là 162.930 tỷ đồng; 16 dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất với tổng số vốn 114.087 tỷ đồng, vốn tăng thêm là 103.299 tỷ đồng.
116 dự án này được phân bổ theo các lĩnh vực: Nhà ở đô thị, trụ sở văn phòng, du lịch - dịch vụ, công nghiệp, văn xã, hạ tầng kỹ thuật (các cụm, khu công nghiệp, làng nghề), tài chính - ngân hàng. Ngoài ra, thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào 282 dự án chưa có nhà đầu tư đăng ký tại hội nghị các năm 2016, 2017, 2018 với tổng vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng.
Tính đến ngày 22/6, Hà Nội còn nhận được 36 đề xuất ký biên bản ghi nhớ hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng trị giá ký kết khoảng 26,079 tỷ USD, trong đó có 23 đề xuất của các đơn vị trong nước và 13 đề xuất của đơn vị nước ngoài.
Việc tổ chức Hội nghị là cách để Hà Nội đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của Thủ đô và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm, bình đẳng. Đồng thời khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, ổn định cho các dự án đầu tư lâu dài.
Hội nghị dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.400 – 1.500 đại biểu, DN. Qua hội nghị, TP Hà Nội thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Hội nghị cũng là giải pháp căn cơ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng; quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thủ đô và của các địa phương trong vùng. Theo báo cáo của ban tổ chức, đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho hội nghị cơ bản đã hoàn thành.