Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đề xuất nhiều chủ trương mới, toàn diện về công tác cán bộ

Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã được Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) thảo luận kỹ lưỡng, thấu
Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đề xuất nhiều chủ trương mới, toàn diện về công tác cán bộ

Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gợi mở cho các nhà nghiên cứu khoa học: Cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư.

Nhưng theo Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, trong những năm qua bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại đối với công tác cán bộ vừa qua. Đó là đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng không mạnh.

Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng chỉ rõ: Không ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có nhiều lợi ích. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Mới chỉ sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ta đã phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật, hàng trăm vụ tham ô, tham nhũng phải xử lý hình sự và hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý, trong đó có những cán bộ vừa được bầu vào Bộ Chính trị...

Những khuyết điểm, yếu kém của đội ngũ cán bộ đã hạn chế đến khả năng phát huy các tiềm năng, thế mạnh khi thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước; xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Từ thực tế trên, Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã tập trung thảo luận kỹ lưỡng Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, cán bộ cấp chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng, có trách nhiệm lớn đối với vận mệnh của Đảng, Nhà nước và tương lai của đất nước.

Thực tế cho thấy, trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị khác nhau là do đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu.

Yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay cùng với những tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” (Hồ Chí Minh: Sửa đổi lối làm việc, Nxb, CTQG, Hà Nội, 1999, tr.18) và thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 88 năm qua, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng.

Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt”.

Theo đó, việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược phải được gắn chặt với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ từng cán bộ.

Quy trình đánh giá cũng phải được đổi mới theo hướng bản thân cán bộ phải tự đánh giá, tập thể và cấp trên đánh giá, rồi đến chi bộ và cơ sở nơi cư trú đánh giá.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, cán bộ quy hoạch vào các chức danh cấp chiến lược phải được đào tạo cơ bản, toàn diện về cả về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý theo yêu cầu của tổ chức. Ngoài ra, để đảm bảo việc lựa chọn cán bộ khách quan, đúng quy định về thẩm định, giám sát bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ cũng phải được xây dựng thành quy chế chặt chẽ.

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ được xác định là khâu đột phá.

Quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hay để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ cũng được nghiên cứu...

Như vậy, Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” có ý nghĩa quyết định và trách nhiệm nặng nề đang được đặt ra trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Nhưng để thực hiện được mục tiêu trên, trước hết phải chuẩn hóa quy trình, quy định về công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, thu hồi các quyết định sai trái.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới toàn diện công tác cán bộ theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), nhất định Đề án sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới toàn diện công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS Trần Nam Chuân

Theo Công an Nhân dân

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...