Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 sẽ được trình Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc hôm nay (28/10).
Tiếp theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, sáng nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí sẽ trình bày trước Quốc hội báo cáo công tác năm 2016.
Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016.
Cũng trong buổi sáng, Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2016 và Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày các báo cáo thẩm tra, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các báo cáo trên.
Trước đó, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào cuối tháng 9, báo cáo của Uỷ ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 đánh giá, năm 2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.
Báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.
Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước. Thực tế này gây bức xúc, bất bình trong dư luận.
Lâm Văn