Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày nông sản tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hậu Giang tháng 9.2017.
Cuộc đối thoại này được kỳ vọng là người đứng đầu Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, giải tỏa những khó khăn vướng mắc về cơ chế, vốn và những điều kiện khác để nông nghiệp phát triển, nông dân thêm cơ hội làm giàu.
Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực
Theo BTC, đây là cơ hội để nông dân phản ánh trực tiếp với Chính phủ, Thủ tướng về những vấn đề lớn, quan trọng còn nhiều khó khăn vướng mắc như thị trường nông sản, vấn đề vốn, chất lượng vật tư nông nghiệp, nông nghiệp 4.0…
Bà Nguyễn Thị Lý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - cho biết: “Hội nghị sẽ tiếp thêm động lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Đặc biệt hội nghị diễn ra đúng tròn 1 tháng kể từ ngày Việt Nam và 10 nước ký kết CPTPP. Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội cất cánh”.
BTC cho biết sẽ có khoảng 600 đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có đại diện các Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, nông dân tiêu biểu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chính sách nông nghiệp.
Được biết, BTC đã nhận được khoảng 1.000 câu hỏi của người dân và nông dân trên cả nước về 4 nhóm: Thị trường nông sản, chính sách vốn và đất nông nghiệp, công nghệ và quản lý vật tư, lao động nông thôn và nông thôn mới.
Không được để tình trạng lòng dân không được yên ở nông thôn
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm với những thành quả nổi bật với tổng kim ngạch xuất khẩu 2017 đạt 36 tỉ USD.
Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt mục tiêu năm 2018 phải đưa kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản lên mốc 40 tỉ USD (cao hơn mức Bộ NNPTNT đưa ra để phấn đấu là 38 tỉ USD). Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng không quên nhắc ngành nông nghiệp “đừng ngủ quên trên chiến thắng”, thành tích trên chỉ mới là bước đầu, chúng ta còn nhiều bất cập.
Những vấn đề còn nhiều thách thức ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ, trồng trọt theo thói quen còn phổ biến ở nông thôn, vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn, năng suất lao động còn thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi xuống cấp. Doanh nghiệp nông nghiệp tuy có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước. Một số địa phương còn lơ là trong việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ở cuộc gặp với lãnh đạo Bộ NNPTNT, Thủ tướng nhắc: “Tại sao khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều như thế? Các đồng chí phải suy nghĩ. Có đối thoại với dân không? Nguyên nhân gì? Chúng ta phải tự hỏi cái này, tự hỏi chúng ta, chứ không phải tự hỏi người dân đâu” - Thủ tướng nhấn mạnh: “Đừng để tình trạng lòng dân không yên ở nông thôn”.
Khi mà Bộ NNPTNT chưa có câu trả lời cụ thể, Thủ tướng đã đối thoại với dân, với nông dân.
Dân hỏi - Thủ tướng trả lời
Trả lời phỏng vấn của Báo Dân Việt, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng: “Nông sản, lao động của Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường địa phương mà đã hội nhập quốc tế, bởi người tiêu thụ nông sản, người sử dụng lao động có thể ở cách anh nông dân hàng chục nghìn kilomet, ở bên kia địa cầu.
Đối thủ cạnh tranh của nông dân cũng không còn là anh hàng xóm, mà ở quốc gia khác. Yếu tố quyết định giá nông sản, lao động cũng không chỉ có cung-cầu mà còn chính sách thương mại, môi trường, xã hội,… Cần thể hiện vai trò của một Nhà nước kiến tạo với những hành động căn cơ hơn là các giải pháp tạm trữ, giải cứu”.
TS Sơn nhận định thêm: “Nếu hỏi nông dân cần gì ở Chính phủ nhất, chắc chắn nông dân sẽ nói: Cần nhất là thị trường; và tôi nghĩ Chính phủ nên tập trung làm tốt việc này và nếu quyết tâm thì sẽ giúp được nông dân biết nên nhắm vào thị trường nào, từ đó biết khách hàng của mình là ai, yêu cầu hàng hoá gì, chấp nhận giá bán như thế nào, bao bì đóng gói ra sao, mình sẽ phải cạnh tranh với những ai… Từ đó, họ có thể chủ động tiến-lùi với quan hệ cung-cầu, điều chỉnh quy mô, nội dung sản xuất”.
Bộ NNPTNT cho biết, trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự 17 hội nghị, diễn đàn về các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với nông nghiệp, nông thôn và vị thế của người nông dân nước ta.
Hội nghị lần này sẽ là dịp dân hỏi, Thủ tướng trả lời và Chính phủ hành động nhằm tháo gỡ các vấn đề tồn tại, cũng như những kiến nghị cần giải quyết trong thời gian tới để nông nghiệp phát triển và đời sống nông dân khấm khá hơn.